Sách

Sương khói một đời

Đặng Huy Giang 14/10/2024 - 07:00

Ở đời, có những người sinh ra để hát chơi, sáng tác nhạc chơi, làm thơ chơi, vẽ chơi... Họ chưa hoặc không bao giờ có ý muốn định danh, định tính mình, bởi với họ, làm thơ và làm nhạc, trước hết để giãi bày mình, để bộc lộ mình, để vui sống và cho mình, thế thôi! Nhà thơ Đình Hiển là một người như vậy!

Lần đầu tiên, trong một cuộc vui, tôi nghe Đình Hiển đọc “Cảm xúc xuân”. Trong bài thơ, “nhân vật” mùa xuân “đi rất nhẹ và trở về rất nhẹ, có cái gì rung lên thật khẽ” và ngoài kia “nắng loang xa”. Vậy là mùa xuân bắt đầu đến từ cảm giác thật gần gũi, thật bình thường và cũng thật khác thường. Mà thơ chỉ đến với người thơ khi nhìn thấy hoặc phát hiện ra sự khác thường trong cái ngỡ như là bình thường ấy. Hai câu thơ “Dẫu kiểu gì thì hoa vẫn nở/ Chẳng phải trả tiền cho sự rực rỡ” làm tôi ấn tượng, tưởng như bật ra theo kiểu “buột mồm” mà có, nhưng để có được nó, cũng không dễ. Không thơ nhưng lại là thơ, vì cái ý tiềm ẩn bên trong rất thơ. Hoa nở là điều tất nhiên khi mùa xuân đến và điều quan trọng là sự rực rỡ ấy chẳng phải mua, mà con người vẫn thường xuyên được thiên nhiên ban tặng.

Ngoài “Cảm xúc xuân”, Đình Hiển còn có nhiều bài thơ cho thấy cái cốt lõi từ tâm cảm, tâm thức và tâm thế của tác giả. Ba cái tâm ấy đều lấy quê hương và đời lính làm nền tảng. Đó là nỗi nhớ đến dai dẳng, mãi thẳm sâu trong ký ức qua “Màu quê”: “Đi xa là để trở về/ Thương con đò mỏng bờ đê dãi dầu/ Nỗi buồn lạc cả sang nhau/ Sông không chở hết nỗi đau bao đời”. Đó là “những kỷ niệm lâu đến bao nhiêu cũng không già”, mãi còn mê hoặc người viết qua “Nhớ”: “Lớn lên từ mẹ từ cha/ Cái ngơ cái ngác dần dà lớn theo” và qua “Nhớ làng”: “Trống chèo thùm thụp đổ dài/ Đêm nay chú Tễu đóng hai vai hề/ Bao nhiêu là chuyện nhà quê/ Tôi trốn tôi để trở về làng xưa”...

Còn những câu thơ viết về đời lính - một thời hoa lửa, không khỏi làm động lòng độc giả, khiến độc giả muốn được đồng cảm và sẻ chia. Trong số những câu thơ đặc biệt gây ấn tượng về đời quân ngũ và chiến trường, chiến tranh, phải kể đến: “Làng mình có nhiều đàn ông/ Được đi bộ đội mà không thấy về/ Đêm đêm ở phía bờ đê/ Rất nhiều đom đóm lập lòe như sao” trong “Về cõi”; “Khói hương theo gió bay vòng/ Thơm mùi áo lính mãi không thấy về”“Tự dưng hóa những anh hùng/ Vi vu mộ gió thổi rung Đông Hà/ Chiến tranh giờ đã đi xa/ Vết thương gửi đến từng nhà còn tươi" trong “Đêm Đông Hà”...

Thơ của Đình Hiển có nhiều chi tiết thơ gây ấn tượng ngay từ khi mới đọc: “Chợt nhận ra sương khói đã một đời”, “Đóa vô thường ngan ngát nỗi quỳnh hương”, “Nỗi buồn xanh cả cỏ cây”, “Váy xòe ấp úng hoa văn/ Rượu say uống cả Viêng Chăn đang thiền”, “Hoàng hôn đã rụng hay chưa/ Mà sao nắng cuối sân chùa còn run?”, “Mẹ không còn nữa để già/ Ta đâu còn bé để mà trẻ con”, “Giọt ngô ngái ngủ trong hốc đá/ Bỗng tỉnh giấc nghèo đội đá lên”, “Mẹ giờ đã hóa thành chùa/ Con như chú tiểu bốn mùa chạy quanh”, “Biết bao ký ức đổ dài/ Một tôi một bóng một mai một buồn”...

Đình Hiển có hai lần “gọi tên” hoa sen và miền đất Nam Bộ thật khéo và thật thơ trong “Thu không” và “Về miền”: “Thu xưa sen cũ đã già/ Thu nay trở lại mới là thật sen/ Nhẹ nhàng cầm ngọn gió lên/ Che cho chiếc lá ngủ quên cuối mùa”; “Lục bình vừa tím vừa trôi/ Mấy xị rượu đế đang ngồi lai rai/ Vọng cổ thon thót đổ dài/ Một chùm điên điển đọng vài tiếng chim”. Và như để vượt thoát, anh trở về với cõi vô thường trong “Thu cạn”, tự khẳng định không có gì tồn tại mãi mãi: “Mọi thứ như đang trôi/ Chẳng có gì dừng lại/ Cả những điều mãi mãi/ Cũng bắt đầu hành hương”.

Nhà thơ Đình Hiển là người làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Anh là một cựu chiến binh, một kỹ sư giao thông. Anh đã xuất bản một số tập thơ như “Bến say”, “Thời gian", “Giấc sen cuối hạ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sương khói một đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.