Cả ngàn năm nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội luôn là đề tài lớn, là nguồn thi hứng gần như bất tận của nhiều thi sĩ. Không ít thi nhân tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến... đã để lại cho đời sau nhiều áng thơ viết về kinh đô/ Thủ đô của nước Việt ta.
Với Bà huyện Thanh Quan, chỉ cần hai câu trong “Thăng Long hoài cổ” thôi cũng đủ lay động lòng người, từ xa xưa đến tận hôm nay: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Ở thời hiện đại cũng vậy. Với Huỳnh Văn Nghệ, chỉ cần đọc hai câu trong “Nhớ Bắc” thôi, cũng đủ hình dung ra nỗi nhớ cội nguồn sâu sắc, ám ảnh, từ trong tâm cảm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Dường như số nhà thơ có thơ hay viết về Hà Nội, ở bất cứ thời nào, mãi là một danh sách nối dài không dứt. Đó là Vũ Hoàng Chương, Tố Hữu, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hồ Dzếnh, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Hoài Anh, Việt Phương, Nguyễn Phan Hách, Lưu Quang Vũ, Trần Vũ Mai, Thi Nhị, Nguyễn Phan Quế Mai... và nhiều nhà thơ khác nữa.
Gắn Hà Nội với sự kiện Cách mạng Tháng Tám, trong “Nhớ về Hà Nội vàng son”, Vũ Hoàng Chương viết: “Ba mươi sáu phố phường ngày hôm ấy/ Là những nhành sông đỏ sóng cờ/ Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô”. Khi Hà Nội còn nằm trong vùng địch tạm chiếm, trong “Đêm Hà Nội 1950”, Chính Hữu viết: “Hà Nội vẫn còn đây/ Đứng lên từ gạch ngói/ Hà Nội đang rầm rì/ Đi trong từng ngõ tối”. Gắn Hà Nội với “những ngày thu đã xa”, Nguyễn Đình Thi viết: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Hồi tưởng Hà Nội một thời “toàn quốc kháng chiến”, trong “Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến”, Hoài Anh viết: “Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô”. Đó là những câu thơ giàu cảm xúc, có ý tưởng và vừa mang dấu ấn thời đại, vừa mang dấu ấn tác giả. “Mang dấu ấn thời đại”, đã khó. “Mang dấu ấn tác giả”, còn khó khăn hơn nhiều.
Có không ít bài thơ viết về Hà Nội, mang những vẻ đẹp khác nhau về tình yêu Hà Nội, về cảnh vật và con người Hà Nội. Với Quang Dũng là “Tây Tiến” với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Với Hồ Dzếnh là “Rủ em đi chợ Đồng Xuân”, với “Hồ Tây dẫu muộn mùa sen/ Vẫn còn một đóa y nguyên buổi đầu/ Như ngày ta mới quen nhau/ Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng”. Với Nguyễn Phan Hách là “Hoa sữa”: “Chỉ mùa thu vẫn trọn vẹn yêu thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của những tình đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau”. Với Trần Vũ Mai là “Vâng, Hà Nội”: “Chúng ta đã lẫn trong Hà Nội/ Hôm qua tháng Ba rớt lạnh mưa phùn/ Những hạt lạc tím trong màu mỡ/ Những chú bé chạy đến trường nghẹn thở/ Bông cúc hồng mái ngói lá xanh”. Với Việt Phương là “Trên đường Thanh Niên”: “Ta hẹn hồ Tây mỗi buổi chiều/ Người về, ta cũng lại về theo/ Chẳng đợi riêng ai, ta đợi cả/ Nhân cuộc đời ta lên tình yêu”. Với Nguyễn Phan Quế Mai là “Những ngôi sao hình quang gánh”: “Họ gánh về cho tôi những mùa ổi mùa xoài mùa mận/ những mùa sen mùa cốm trên vai/ Cả nắng ban mai cả hoàng hôn tím/ Ngày đi rưng rưng đôi dép lê”.
Còn đây nữa với “Hà Nội ơi” của Thanh Quế: “Nơi không xa cách được/ Mà mình xa cách rồi/ Trái tim luôn se thắt/ Hà Nội, Hà Nội ơi!”. Với “Cầu Long Biên” của Nguyễn Khoa Điềm: “Bên kia cầu, chùa Bồ Đề như chiếc nấm linh chi cổ đại/ Cầu Long Biên gù lưng người phu già/ Sớm chiều cõng chuông qua sông/ Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội”, với “Xóm Hà Hồi” của Thi Nhị: “Thành phố nào chẳng có một xóm quê/ Như cái xóm êm ru này Hà Nội/ Và ai đó suốt cuộc đời dữ dội/ Chẳng một vùng yên tĩnh giữa lòng sâu/ Là Hà Hồi của Hà Nội thân yêu”, với “Bách thảo” của Bằng Việt: “Ngựa voi về vườn Láng/ Núi rêu phong một mình/ Hàng rong chiều quạnh vắng/ Leo lét ngọn đèn xanh/ Nhưng có phải không em/ Có một thời, ở đó/ Có một mùa, ánh trăng/ Có một chiều tuổi nhỏ”, hay với “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu: “Sáng mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường rực rỡ/ Hương bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta/ Nhớ nghe hoa/ Người quét rác/ Đêm qua”...
Và sẽ không đầy đủ hoặc là thiếu sót, nếu như ở bài viết này không nhắc đến ba ca khúc hướng về Thủ đô và Ngày Giải phóng Thủ đô của Nguyễn Đình Thi ("Người Hà Nội"), Văn Cao ("Tiến về Hà Nội"), Nguyễn Thành và Tạ Hữu Yên ("Cảm xúc tháng Mười") mà cả ba đều từ thơ với: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu...”, với “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố...”, và “Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.