(HNM) - Sau 42 năm xây dựng và phát triển, 41 năm chính thức vinh dự mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Sự chuyển mình, vươn lên của thành phố trẻ đã giúp địa phương này trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Nền tảng và niềm tin
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương tạo ra 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Từ một thành phố với quy mô kinh tế chỉ vỏn vẹn có tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến nay, mức sống của người dân đã nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đến hết năm 2016 đạt khoảng 5.700 USD/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010.
Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ. |
Trong lĩnh vực kinh tế, UBND thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ban hành một loạt chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Những cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trên đã góp phần tạo cảm hứng cho nhân dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ tích cực khởi nghiệp để đạt mục tiêu đến năm 2020 thành phố có 500.000 doanh nghiệp.
42 năm - một chặng đường, những thành tựu to lớn đạt được đã tạo nên một diện mạo thành phố văn minh, hiện đại, người dân nghĩa tình. Từ một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, hiện nay đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này. Nhiều tuyến đường hiện đại, góp phần quan trọng trong mục tiêu hoàn thiện hạ tầng đô thị như đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng... Những cây cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn như cầu Sài Gòn, Phú Mỹ, Thủ Thiêm, Bình Lợi... Đặc biệt là đường hầm sông Sài Gòn là một công trình hầm vượt sông hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, còn hàng loạt công trình đang được khởi công rất khẩn trương như hệ thống tuyến metro, các khu đô thị, nhà cao tầng...
Những nền tảng trên sẽ là hành trang, nguồn động lực và niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, tạo tiền đề quan trọng để thành phố phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu GRDP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 (GRDP đạt từ 8 đến 8,5%). Qua đó, phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội tụ trí tuệ, tầm nhìn, sáng tạo để bứt phá
Trước yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh cần phát triển bứt phá hơn nữa, chuyển biến một cách thực chất. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trải lòng: "Trong những năm qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, nhưng về cơ bản chưa đạt được những đột phá trong chất lượng tăng trưởng; năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, chưa thấy rõ những bước chuyển mạnh mẽ tạo dấu ấn ở tầm cất cánh cho thành phố".
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh chưa tận dụng, khai thác hết lợi thế của mình. Nguyên nhân cơ bản là tầm nhìn phát triển thành phố vướng vào tầm nhìn quốc gia. Nguyên nhân nữa là do cơ chế bộ máy trói buộc, kìm hãm vai trò chức năng của đầu tàu kinh tế. Điều này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra trong lần làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây: Thành phố cần vượt qua tư tưởng phát triển đạt ngưỡng, không thể phát triển hơn nữa, xua đi tâm lý "an toàn", mà cần hội tụ trí tuệ, tầm nhìn, sáng tạo để bứt phá.
Như vậy, để bứt phá, TP Hồ Chí Minh phải làm gì? Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để vươn lên một cách thực chất thì TP Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn và tư duy đột phá. Đây là điều kiện tiên quyết để xoay chuyển tình thế chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Đó phải là tầm nhìn tổng thể, bài bản, dựa trên sự đổi mới hệ thống thể chế kinh tế quốc gia; đi đầu cải cách mang lại lợi ích quốc gia chứ không chỉ vì thành phố. Phải để TP Hồ Chí Minh vượt trước, phải ý thức đây là nhiệm vụ quốc gia, trách nhiệm của đầu tàu. Thành phố phải là trung tâm dẫn dắt phát triển kinh tế của quốc gia.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chi Minh cho rằng, muốn cất cánh trước hết phải tìm ra "vật cản". Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, có những khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm các động lực đột phá cho thành phố phát triển. "Điều thành phố cần làm lúc này là đột phá thật sự, đủ sức tiếp sức cho thành công trong quá khứ và tạo động lực để vượt qua rào cản, hướng tới thành công. Lãnh đạo thành phố sẽ kiên trì tiếp tục đề xuất những đột phá về cơ chế, chính sách vì khát vọng vươn lên của thành phố", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.