(HNMO) – Thông kê của Bộ Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng đầu năm 2013 đạt 1.932.012 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng thấp so với cùng kỳ các năm trước.
.
Các năm trước thông thường tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ so với cùng kỳ thường tăng từ 20-22%. Nguyên nhân giảm sút trên được đánh giá chủ yếu từ sức mua yếu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 9 tháng năm 2013 đạt mức tăng 5,3%.
Xét về cơ cấu ngành kinh tế, nhóm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đạt mức tăng cao hơn các ngành khác (đều tăng khoảng 15%), ngành thương nghiệp đạt mức tăng cao nhất là 11,95%, ngành du lịch có mức tăng thấp nhất là 2,36%.
Xét về loại hình kinh tế, nhóm kinh tế Nhà nước giảm 7,22% trong khi các nhóm nội địa ngoài Nhà nước tăng từ 11,54 - 16,7%, đặc biệt nhóm đầu tư nước ngoài tăng 35,43%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2013 tăng 1,06% so với tháng trước. Như vậy, CPI 9 tháng đầu năm 2013 đã tăng 4,63% so với tháng 12 năm 2012 (đây là mức tăng thấp so với các năm trước, CPI cùng kỳ năm 2012 đạt mức tăng 5,13%, cùng kỳ năm 2011 tăng 16,63%), trong đó 2 nhóm tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục (tăng lần lượt 18,67% và 10,98%) do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế và phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương lớn trên cả nước.
Các nhóm hàng khác không có biến động lớn, giá gas, xăng dầu trong 9 tháng đầu năm được điều chỉnh theo sự biến động của thị trường, có tăng có giảm nên CPI các nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ các mặt hàng này cũng có sự tăng giảm hợp lý.
Ngoài ra, CPI 9 tháng đầu năm của các nhóm hàng khác phần lớn tăng dưới mức tăng chung (là 4,63%), riêng nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 4,87% do nhu cầu và giá các mặt hàng này tăng cao từ đầu năm (dịp Tết Nguyên đán).
Thị trường hàng hoá trong nước nhìn chung dồi dào, nguồn cung hàng hoá trên thị trường luôn được đảm bảo, tuy nhiên do mức độ phục hồi kinh tế chậm, thu nhập của người dân chưa được cải thiện đáng kể nên sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường cũng chưa tăng nhiều.
So với một số năm gần đây, khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa đã giảm do sức ép về chi phí tài chính không còn lớn (lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh), lượng hàng tồn kho không còn cao (một phần do các doanh nghiệp đã chủ động thu hẹp sản xuất).
Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong 9 tháng đầu năm cũng không có nhiều biến động. Bên cạnh việc triển khai tốt các chương trình bình ổn thị trường trong các dịp lễ, tết, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã có sự điều hành linh hoạt hơn đối với giá cả, cung cầu các mặt hàng quan trọng như nhóm nhiên liệu năng lượng thông qua việc kết hợp hài hòa các công cụ như thuế, quỹ bình ổn, xuất nhập khẩu...
Đối với nhóm hàng nông sản, do giá các mặt hàng thực phẩm liên tục giảm sâu trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6, giá lương thực cũng giảm sâu từ tháng 4 đến tháng 7 đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong các tháng cuối năm, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tiêu thụ, thu mua tạm trữ... Đến tháng 9, thị trường các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hồi phục, giá các mặt hàng như thịt lợn, gà, lúa gạo đã bắt đầu tăng nhẹ lên mức giá tương đương cùng kỳ năm trước.
Với diễn biến trên, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm có nhiều diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng chú ý là sự suy giảm trong tiêu dùng... Dự kiến tổng mức bán lẻ năm 2013 tăng khoảng 13-14% so với năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.