(HNM) - Kể từ tháng 2-1947, khi thực dân Pháp tái chiếm thành phố, thiết lập bộ máy hành chính - quân sự tay sai phản động, đến đêm 20 rạng sáng 21-7-1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhân dân Hà Nội đã anh dũng, bền bỉ kháng chiến 8 năm. Hiệp định Giơnevơ đã mở ra điều kiện, phương thức mới để giải phóng Thủ đô. Đảng, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ thành phố huy động sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi trọn vẹn.
Đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh ngoại giao
Trước tình hình mới, từ ngày 5 đến 7-9-1954, Bộ Chính trị họp, ra nghị quyết “Về tình hình nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt trong thời kỳ vào thành phố: Bảo vệ tài sản công và tư, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo công nhân đấu tranh chống địch phá hoại và bằng bất kỳ giá nào cũng phải bảo đảm điện, nước, vệ sinh, giao thông thông suốt.
Cuộc đấu tranh của công nhân và viên chức giữ máy móc, hồ sơ kỹ thuật đã diễn ra liên tục trong hai tháng ở nhiều nhà máy, cơ quan, đơn vị: Điện Yên Phụ, đèn Bờ Hồ, nước sạch, Ga Hà Nội, Ga Gia Lâm, Sở Bưu điện, Công ty Vệ sinh, Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), Bệnh viện Bạch Mai... Ở xưởng Bưu điện ngày 8-9-1954; đèn Bờ Hồ ngày 12-9-1954 và 8-10-1954, công nhân đoàn kết chặt chẽ, ngủ lại xưởng máy, kiên quyết đấu tranh không cho địch phá hoại. Công nhân Ga Hà Nội vẫn giữ được đủ 12 đầu máy và tất cả toa xe. Vì vậy, điện, nước, vệ sinh, giao thông trong thành phố được bình ổn trước và sau Ngày Giải phóng.
Song song với cuộc đấu tranh chống địch phá hoại tài sản, nhân dân còn tiếp tục đẩy mạnh công tác địch vận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngụy quân đào ngũ, rã ngũ ngày càng nhiều và mang tính chất tập thể. Ban Địch vận của Mặt trận Hà Nội và bộ phận công tác của các đoàn thể Công đoàn, Phụ nữ… đã tổ chức vận động binh lính đóng ở các đồn bốt. Cảng Phà Đen là đầu mối tiếp nhận vũ khí của 12.000 sĩ quan, binh lính quay súng, về với nhân dân. Nhiều trí thức, công chức, thanh niên yêu nước đã không mắc mưu địch xúi giục, cưỡng ép di cư vào Nam, ở lại thành phố để góp sức xây dựng chế độ mới.
Nhân dân còn là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn ta. Một đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội gồm đại diện Hội Phụ nữ Bắc Hà, Hội Ái hữu các trường tư, Hội Phật giáo, Hội Công giáo, Hội Hướng đạo, Hội Sinh viên và các vị có uy tín trong giới công thương đã gặp ông M.Dessai, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam, đề nghị can thiệp với phía Pháp, chấm dứt việc phá hoại thành phố. Bên cạnh đó, những hành động phá hoại của thực dân Pháp và tin tức từ cuộc đấu tranh của công nhân trong nội thành đã sớm được đưa thẳng tới bàn hội nghị Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn). Do đó, đoàn đại diện của ta có căn cứ xác đáng đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản đã quy định, bồi hoàn những phương tiện kỹ thuật, máy móc đã bị phá hỏng.
Hội nghị Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) tiến hành từ ngày 17 đến 29-9-1954, bàn bạc và dự thảo về lịch rút quân, thể thức chuyển giao công sở, công trình lợi ích công cộng giữa ta và Pháp. Ngày 30-9-1954 và 2-10-1954, hai bên ký Hiệp định chuyển giao về quân sự và hành chính. Nguyên tắc chuyển giao phải bảo đảm trật tự an toàn, không có sự phá hoại và gián đoạn.
Chú trọng xây dựng lực lượng tại chỗ
Cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đã rèn luyện đội ngũ cán bộ kháng chiến, từ đó phát triển thêm tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng. Các đội tự vệ nhanh chóng được củng cố ở khắp ngoại thành, nhất là ở những vùng “trắng” do bị địch khủng bố càn quét khốc liệt, góp phần bảo vệ an ninh, ổn định trật tự xã hội. Ở nội thành, ta có 50 tiểu đội tự vệ. Các ngành, đoàn thể cử cán bộ đi học lớp bồi dưỡng ngắn ngày ở Thường Tín để kịp thời về thành phố làm công tác tiếp quản. Công an Hà Nội cũng được gấp rút củng cố và kiện toàn để làm nhiệm vụ trực tiếp giữ vững an ninh, trật tự xã hội trong và sau tiếp quản.
Nhận thức rõ việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội giữ vai trò đặc biệt quan trọng, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tăng cường cán bộ cho thành phố. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản. Ngày 6-9-1954, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy tiếp quản. Ngày 15-9-1954, tại Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với cán bộ cấp cao về việc tiếp quản Thủ đô. Ngày 17-9-1954, theo quyết định của Chính phủ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ là Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính làm nhiệm vụ tiếp quản. Một số đơn vị vũ trang của các đại đoàn 308, 304, 351 cũng được điều động tiến về Hà Nội bảo đảm chắc thắng trong trận cuối cùng.
Hàng trăm cán bộ của Trung ương đã được điều động, bổ sung về Hà Nội, xây dựng bộ máy tiếp quản thành phố. Đồng thời, các liên khu III, IV, Việt Bắc vận chuyển về Hà Nội lương thực, thực phẩm, chất đốt, nguyên vật liệu… tiếp ứng cho nhân dân đủ sinh hoạt thiết yếu và bình ổn sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tiếp quản. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội không chỉ đón tiếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành viên Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam làm nhiệm vụ mà còn chuẩn bị rất chu đáo để đón các nhà quay phim Xô Viết và một số nhà báo nước ngoài vào nội thành. Những thước phim quý giá đã được Roman Karmen và hai đồng nghiệp ghi lại cảnh Hà Nội trong Ngày Giải phóng vẫn còn đến ngày nay.
Từ ngày 6 đến 9-10-1954, ở ngoại thành, địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó theo lối “cuốn chiếu”, gồm: Quận Văn Điển, thị xã Hà Đông, các quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi thuộc Đại lý Hoàn Long. Ngày 8-10-1954, ở nội thành, ta tiếp thu các cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng. Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô đã triển khai lực lượng đến 35 vị trí để sáng 9-10, tiếp quản các khu vực Quần Ngựa, Ga Hàng Cỏ, Bạch Mai, Đồn Thủy, thành Hà Nội. Đúng 16h30 ngày 9-10-1954, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm. Đêm 9-10-1954, cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội. Sáng 10-10-1954, 20 vạn nhân dân Hà Nội và vùng phụ cận xuống đường đón chào Ủy ban Quân chính, Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô tiến vào nội thành trong niềm vui và xúc động vô hạn.
Chiều 10-10-1954, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô trang nghiêm, xúc động dự lễ chào cờ tại Cột Cờ Hà Nội. Trong niềm phấn khởi, tự hào, mọi người nghe “Lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, Người đề ra nhiệm vụ cấp bách: Giữ gìn trật tự, duy trì sản xuất, khôi phục mọi hoạt động văn hóa, bảo đảm sự hoạt động bình thường của ngoại kiều…
Sau 65 năm được giải phóng, Thủ đô đã và đang vươn lên mạnh mẽ trên tầm cao mới. Nhìn lại chặng đường đã qua và cái đích đang đi tới, chúng ta càng thấm thía sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày Hà Nội được giải phóng: “… Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.