(HNM) - Phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 16-8-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới một vấn đề quan trọng hiện nay. Đó là “phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố”, nhằm ngày càng củng cố, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước giàu mạnh.
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, phát huy sức mạnh nhân dân luôn là yếu tố sống còn. Hiện nay, khi yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đạt mục tiêu “đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thì tinh thần ấy càng đòi hỏi mạnh mẽ. Đặc biệt, ngay tại thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, thì vai trò tự quản của nhân dân thông qua mô hình “tổ liên gia tự quản”, “tổ Covid-19 cộng đồng”, “tổ tự quản vùng xanh phòng, chống dịch”... đã ngày càng chứng minh tính hiệu quả về sức mạnh của nhân dân. Điều đó đã khẳng định, phát huy vai trò tự quản của nhân dân, thực chất là phát huy tinh thần đoàn kết của người dân ở cơ sở.
Để phát huy vai trò tự quản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đảng ta xác định, nâng cao vai trò tự quản của nhân dân chính là tập hợp nhân dân xung quanh các tổ chức, đoàn thể là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó, vấn đề cần lưu ý, làm tốt hiện nay là phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Do vậy, cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Thông qua các cơ chế khác nhau như nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp... vừa để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân, tạo thành sức mạnh chung để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của mỗi địa phương, nhất là các nhiệm vụ cấp bách về an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh...
Một yếu tố quan trọng phát huy vai trò tự quản của nhân dân là phải thực hành Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách rộng rãi, để dân là chủ, dân làm chủ; bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ xã hội được thực hiện ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực. Bởi vậy, cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp cùng với quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện của mình.
Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ phát huy hiệu quả các mô hình tự quản ở cộng đồng. Trong đó, nhân tố quan trọng là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quan điểm xuyên suốt là các mô hình tự quản phải thật sự tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí và xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cần xác định nội dung mô hình tự quản cụ thể, phù hợp, sát với đặc điểm từng địa bàn dân cư và coi mục đích phục vụ lợi ích của người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Như vậy mô hình mới bền vững và có sức lan tỏa.
Để thu hút được nhân dân tham gia mô hình tự quản, đặc biệt cần phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Thành viên tham gia các mô hình tự quản, nhất là người đứng đầu phải tâm huyết, có uy tín và khả năng vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Định kỳ cần sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình tự quản và tổ chức nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân...”. Thực tiễn đã chứng minh, quy tụ được lòng dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là nguyên nhân quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Chính sức mạnh nhân dân sẽ là điểm tựa cho đất nước trường tồn, cường thịnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.