Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức bật cho Thủ đô phát triển

Minh Thúy| 15/04/2020 06:36

(HNM) - Cũng như cả nước, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của Hà Nội, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I-2020 giảm rõ rệt... Trong bối cảnh này, ngoài nhiệm vụ cấp bách là quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, đầu tư công được nhắc đến là động lực quan trọng giúp kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại cũng như tạo nền tảng phát triển dài lâu.

Tuy nhiên để nguồn lực từ đầu tư công của Hà Nội phát huy trong thực tế là việc không dễ dàng. Mặc dù nguồn vốn không thiếu, nhưng tính đến hết tháng 1-2020, lũy kế kết quả giải ngân vốn trung hạn chỉ bằng 85,3% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016-2019 và bằng 62,9% tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt. Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý I-2020 của thành phố cũng mới đạt 10,7%.

Là năm cuối cùng của giai đoạn 2016-2020, lại vấp phải lực cản do dịch Covid-19 nên nhiệm vụ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020, gồm: 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019. Ðiều này cho thấy thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực cho đầu tư công, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của cả giai đoạn 2016-2020.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đòi hỏi các cấp, ngành, đơn vị liên quan của thành phố cần có những giải pháp thực chất, quyết liệt và hiệu quả.

Yêu cầu đầu tiên đặt ra để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là khắc phục ngay những hạn chế được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua như: Sự trì trệ, thiếu trách nhiệm trong điều hành và triển khai dự án; một số chủ đầu tư, cán bộ quản lý còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, thậm chí còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Chưa kể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Để giải quyết những trì trệ này, không cách nào khác là “buộc” trách nhiệm vào mỗi chủ thể được giao nhiệm vụ. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã thực hiện khá hiệu quả việc áp người vào vị trí việc làm. Do đó, việc này cần làm triệt để hơn nữa để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm... Đồng thời, cơ quan chức năng sát sao trong kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án; kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc này.

Tiếp đó, một nguyên nhân nữa hay được các chủ đầu tư dự án, chính quyền cấp huyện, xã đưa ra là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Do vậy, khi triển khai, các cơ quan, đơn vị cần minh bạch, công khai về dự án, mức bồi thường, hỗ trợ... để người dân hiểu, đồng thuận. Khi có vướng mắc, cần có sự giải quyết thống nhất, đồng bộ và kịp thời của các bên liên quan nhằm hạn chế độ trễ của dự án.

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của cả chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án. Mỗi đơn vị thực hiện dự án cần lên kế hoạch theo hướng ưu tiên triển khai những phần việc có thể thực hiện được ngay. Thậm chí, nhiều công việc phải tiến hành song song, khẩn trương để khi dự án có khối lượng là có thể nhanh chóng giải ngân...

Những dự án đầu tư công được triển khai kịp thời sẽ giúp thúc đẩy trực tiếp nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh liên quan, tránh lãng phí nguồn lực, tạo động lực cho kinh tế Thủ đô giữ đà tăng trưởng. Đồng thời với tầm quan trọng của mình, những dự án đầu tư công sớm đi vào hoạt động sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tạo sức bật cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ khi dịch Covid-19 đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật cho Thủ đô phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.