Hàng loạt mặt hàng sữa nhập khẩu được tiêu thụ trên thị trường trong nước vẫn không ngừng tăng giá với mức 5 -10%, với lý do chi phí đầu đang nhảy vọt.
Theo các chủ cửa hàng bán lẻ, cũng như các nhà phân phối các loại sữa bột nhập khẩu như Dumex, Abbott, Enfagrow….giá cả các loại mặt hàng này đã liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua. Điển hình, trong ngày 16/4) nhiều nhà phân phối đã chính thức thông báo điều chỉnh giá sữa bột thêm 5% đến 10%.
Cụ thể, loại sữa của hàng Abbott, Enfagrow đã đồng loạt tăng khoảng 5%, cùng với đó là sữa XO của đã bị đẩy thêm khoảng 8 – 10%. Đặc biệt, loại sữa bị biến động giá nhiều nhất trong thời gian qua phải kể đến là các loại sữa của Nhật như Wakodo, Meiji, Morigana. Trong đó, sữa Wakodo đã tăng tới 470 nghìn đồng/hộp, trong khi đó sữa Meiji 9 cũng vọt lên đến mức 560 nghìn đồng/hộp.
Trước đó, hàng loạt các hàng sữa cũng đã thông báo biểu giá mới. Điển hình, các loại sữa của Vinamilk cũng đã điều chỉnh giá sữa bột lên trung bình 12%; Mead Johnson điều chỉnh giá các sản phẩm Enfagrow, Enfakid tăng khoảng 7-8%; hàng loạt nhãn sữa của Friso cũng điều chỉnh từ 5-10%; cô gái Hà Lan điều chỉnh giá hầu hết các sản phẩm sữa bột từ 13-15%. Đặc biệt Công ty TNHH Dược phẩm 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott cũng đã đăng ký tăng giá khoảng 12-18%.
Theo các nhà phân phối, nguyên nhân chính được các hãng sữa đưa ra để tăng giá đó là chi phí đầu vào tăng cao. Cụ thể như tỷ giá liên tục tăng cao, hay thuế nhập khẩu sữa cũng tăng từ 5% lên 10%. Đặc biệt, chi phí mua nguyên liệu cũng tăng mạnh từ 10-30%... Tất cả những điều này đã tác động lên giá sữa tiêu thụ ra thị trường.
Như vậy, mặc dù trong thời gian qua các biện pháp bình ổn giá sữa của cơ quan chức năng liên tục được đưa ra, nhưng các hàng sữa vẫn phớt lờ và tăng giá khá vô tư. Điều này làm dấy lên một mối lo ngại, về việc tăng vô tội vạ của một mặt hàng được coi là khá nhạy cảm.
Dẫn chứng cho mối lo ngại này, theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dẫn nguồn từ kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong ba năm từ 2008-2010, sữa bột ở nước ta tăng giá tới 16 lần, mỗi lần tăng từ 3-10%, một con khá lớn so với độ tăng thu nhập của người Việt Nam. Một điều có thể nhận thấy là, cứ mỗi tháng sẽ có ít nhất hơn một lần sữa lại bị điều chỉnh tăng giá.
Theo nhiều chuyên gia, hiện tại giá sữa tiêu thụ trong nước đang tăng rất bất hợp lý và cao hơn gấp 3 -4 lần so với thực tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế tình trạng này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Cũng theo các chuyên gia, việc giá sữa có thể tăng bất hợp lý trong thời gian qua đóng góp một phần không nhỏ là việc sính ngoại của khá nhiều bà mẹ Việt. Nguyên nhân là do họ nghĩ rằng các loại sữa ngoại mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của con em mình.
Còn theo đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính, sắp tới Cục sẽ tổ chức một đoàn thanh tra để kiểm tra 24 doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, trong đó có sữa bột nhập khẩu. Qua đợt kiểm tra này, Cục quản lý giá sẽ tìm ra nguyên nhân cũng như những giải pháp thích hợp để bình ổn mặt hàng này.
Thông tư 122 quy định các nhà nhập khẩu sữa phải đăng ký giá bán với cơ quan chức năng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Cơ quan quản lý có quyền công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá khi hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá có biến động bất thường trong ít nhất một trong các trường hợp sau: Giá tăng cao hơn so mức tăng của các yếu tố đầu vào hoặc so với giá vốn hàng nhập khẩu; giá tăng hoặc giảm không có căn cứ, làm mất cân đối cung cầu hoặc do các tin đồn thất thiệt; giá tăng hoặc giảm không hợp lý do lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường hoặc liên kết tăng giá. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.