Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa luật để xây dựng gia đình hạnh phúc

Hà Phong - Lý Thị Mai| 22/05/2022 07:51

(HNM) - Sau nhiều lần nghiên cứu, tiếp thu, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được đánh giá mang tính nhân văn, bảo vệ các thành viên yếu thế và hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và thông qua tại kỳ họp thứ tư tới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hướng đến phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn hành vi bạo lực để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Quang Thái

Dự thảo luật được sửa đổi, bổ sung với 6 chương, 62 điều, tăng 6 điều so với luật hiện hành. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, dự thảo luật đang được xem xét dưới nhiều góc độ, mỗi “lát cắt” lại có một giải pháp tiếp cận khác nhau. Giá trị cuối cùng của việc sửa luật lần này là hướng đến gia đình hạnh phúc, nhưng rõ ràng để có được hạnh phúc và an toàn của các thành viên trong gia đình trước hết phải bảo vệ được quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Liên quan đến quy định cụ thể về vấn đề hòa giải, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm, nếu vẫn giữ các giải pháp như dự thảo luật hiện nay sẽ tương đối khó chấp thuận và nếu phân tích sâu hơn thì phải hướng đến sự phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn hành vi bạo lực ngay từ trong mỗi gia đình sao cho hiệu quả hơn. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm nội hàm quy định này để bảo đảm thực hiện đúng phương pháp tiếp cận là đặt sự an toàn của nạn nhân lên trên hết.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Lan, đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc cũng nêu quan điểm, việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi phải có nhiều biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ cả về văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, tuyên truyền pháp luật và mang tính toàn diện, bởi phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình rất rộng. Quá trình triển khai cần làm rõ quyền được tiếp cận với các dịch vụ, vì dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định một số quyền nhưng chưa đầy đủ. Quyền pháp lý thì chỉ những người được trợ giúp pháp lý mới được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí. Như vậy, đối với đối tượng khó khăn họ sẽ không được trợ giúp pháp lý miễn phí, với những dịch vụ khác cũng vậy.

Theo quy định, “hòa giải” được cho là thương lượng giữa các bên ngang nhau. Nhưng trên thực tế, người gây bạo lực gia đình thường có quyền lực và quyền kiểm soát đáng kể đối với người bị bạo lực. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp hòa giải không phải lúc nào cũng là phương án tối ưu.

Theo chị Nguyễn Thị Thoan ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, nguyên tắc hòa giải trong bạo lực gia đình không nên đưa lên hàng đầu, thay vào đó chỉ xem là biện pháp để hàn gắn khi các bên tự nguyện. Những trường hợp không nên hòa giải bao gồm: Trường hợp việc thực hiện hoặc tiếp tục quá trình hòa giải rõ ràng sẽ gây phương hại đến sự an toàn và an ninh của người bị bạo lực hoặc khiến người bị bạo lực phải chịu thêm bạo lực; khi có một mối đe dọa đối với người bị bạo lực đến mức ngăn cản việc người bị bạo lực tự quyết định; trường hợp người gây bạo lực là kẻ tái phạm; người gây bạo lực vi phạm thỏa thuận hòa giải trước đây. Đồng thời, cần có quy định kiểm điểm, phê bình người vi phạm bạo lực gia đình trước tổ dân phố nơi cư trú, trước cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi làm việc. Làm bản kiểm điểm, bản cam kết không tái phạm trước cơ quan công an xã, phường.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho biết, các ý kiến góp ý sẽ được tổng hợp, chắt lọc, gửi tới Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn thiện dự án luật với chất lượng cao để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để xây dựng gia đình hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.