Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 6/11. Độ tuổi kết hôn, hôn nhân cùng giới, vấn đề mang thai hộ… là những bất cập của Luật hiện hành sẽ được sửa đổi.
Nhiều bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành sẽ được sửa đổi (Ảnh minh họa: dantri.com.vn) |
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật gồm 135 điều, được bố cục thành 9 Chương. So sánh với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (98 điều sau khi Luật Nuôi con nuôi bãi bỏ Chương Nuôi con nuôi từ Điều 67 đến Điều 78), dự thảo Luật đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều, bãi bỏ chương Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình (đã được quy định trong Bộ luật Dân sự) và chương Xử lý vi phạm (đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Luật về xử lý vi phạm hành chính); bãi bỏ Lời nói đầu và 9 điều (Điều 7, 10, 12, 13, 14, 89, 98, 105 và 106).
Hạ độ tuổi kết hôn
Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên. Dự thảo Luật sửa đổi quy định, nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc quy định như vậy sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Hôn nhân và gia đình với các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự trong việc công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân.
Bên cạnh đó, việc hạ độ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi là phù hợp với thực trạng về thể chất cũng như về tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên hiện nay. Việc hạ tuổi kết hôn của nam giới cũng không khuyến khích việc kết hôn sớm của công dân, vì Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật.
Mặt khác, việc quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn là để bảo đảm sự tương thích của pháp luật Việt Nam với cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, Ủy ban này tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền công dân không phân biệt nam, nữ, đủ 18 tuổi là tuổi đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hiện nay, với tiến bộ của y học trong nước có thể thực hiện được việc này. Nếu pháp luật không điều chỉnh thì một bộ phận người dân có nhu cầu vẫn thực hiện, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Do đó, cần bổ sung quy định này trong Luật và phải quy định chặt chẽ, cụ thể.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì vấn đề này nhạy cảm, phức tạp, dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cần đánh giá mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không, đồng thời, xử lý các xung đột với pháp luật, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ cũng là vấn đề nên cân nhắc. Đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn quy định cấm mang thai hộ.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em. Do đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về các nội dung của thỏa thuận xác lập việc mang thai hộ; vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài; việc xung đột quyền, nghĩa vụ của cha mẹ trong thời gian từ khi đứa trẻ được sinh ra đến khi giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ ; một người được mang thai hộ mấy lần (cho các cặp vợ chồng khác nhau)? Số người mang thai hộ cho cùng một cặp vợ chồng?...
Đồng thời, Ban soạn thảo cần dự báo các trường hợp có thể xảy ra để quy định chặt chẽ; đánh giá tác động liên quan của quy định mang thai hộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác và một số quy định chuyên môn phải điều chỉnh trong các pháp luật chuyên ngành khác như: Y tế, dân số...
Không thừa nhận hôn nhân cùng giới
Dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới. Theo đó, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau.
Lí giải việc quy định này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, vấn đề chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Tuy chưa có kết quả điều tra chính thức về số người đồng tính nhưng đã có nhiều trang web, diễn đàn, câu lạc bộ dành cho họ với số lượng thành viên tham gia ngày càng nhiều. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới.
Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này...
Theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, Ủy ban về các vấn đề xã hội hiện có hai loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề trên đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này và là cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như hiện hành vì cho rằng, kết hôn là xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống, không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.
Ủy ban về các vấn đề xã hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và thấy rằng, đến thời điểm này trong xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật hiện hành, nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam; đồng thời, đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với việc sửa đổi quy định này phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 14/11, dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.