Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm hướng tới mục tiêu kiểm soát quyền lực từ gốc rễ là công việc thường xuyên, liên tục của Đảng ta. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Đảng ta là Đảng chính trị lãnh đạo xã hội và nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định với mọi thắng lợi cách mạng. Vì vậy, việc xây dựng Đảng vững mạnh là công việc sống còn của Đảng.
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Từ Đại hội XI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực, xin Giáo sư phân tích rõ hơn về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta đã và đang triển khai thực hiện, đặc biệt là trong 3 nhiệm kỳ gần đây?
- Trước hết phải khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng và có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì thế ngay trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã khẳng định 4 trụ cột chính sách: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đến Đại hội XII, XIII bổ sung thêm một trụ cột chính sách nữa là: An ninh, quốc phòng trọng yếu và thường xuyên.
Tại sao nói xây dựng Đảng là then chốt bởi vì trước hết Đảng ta là Đảng chính trị lãnh đạo xã hội và nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định với mọi thắng lợi cách mạng. Vì vậy, việc xây dựng Đảng vững mạnh là công việc sống còn của Đảng. Nói cách khác, Đảng muốn làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình là lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước, để tổ chức công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, đưa đất nước đi lên ấm no, hạnh phúc thì trước hết Đảng phải vững mạnh về tổ chức, về con người, tư tưởng, đường lối và quan trọng nhất là vững mạnh về niềm tin của người dân.
Nói vững mạnh về niềm tin của dân là quan trọng nhất, bởi vì bản chất sự lãnh đạo của Đảng chính là dựa vào niềm tin của nhân dân. Đảng lãnh đạo bằng phương thức, đề ra đường lối, lãnh đạo về công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ, bằng công tác kiểm tra giám sát. Tất cả công việc ấy nói cho cùng chỉ có thể có được và mang lại hiệu quả khi có được niềm tin của người dân.
Vì thế, Đảng có vững mạnh thì mới có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu Đảng có biểu hiện tiêu cực thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, Lênin đã từng nói: Nếu đã tham nhũng rồi thì không thể nắm vai trò lãnh đạo.
Từ năm 1986, khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới thì cùng với định hướng xây dựng và phát triển đất nước cũng đặt ra nhiều thuận lợi và thách thức. Càng nhiều thách thức thì càng cần có một Đảng mạnh mẽ để lãnh đạo nhân dân vượt qua thách thức. Muốn Đảng mạnh mẽ thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Một trong những yếu tố quyết định của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải giữ cho Đảng trong sạch. Trong sạch để dân tin, dân yêu và đủ điều kiện lãnh đạo cách mạng.
Chính vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng luôn là công việc thường xuyên, tất yếu và rất cần thiết của Đảng. Chỉ có chống tham nhũng thành công thì Đảng mới thực sự có thể trong sạch và hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo cách mạng của mình.
- Giáo sư đánh giá khái quát về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà Đảng ta đã và đang quyết tâm thực hiện?
- Bản chất của tham nhũng, lãng phí là lợi dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho một nhóm hay mỗi cá nhân. Vì vậy, muốn chống tham nhũng phải làm từ gốc, tức là phải kiểm soát quyền lực, hay phải có chế tài, quy định, chính sách, giải pháp để bảo đảm mọi quyền lực chính trị trong đời sống xã hội phải được sử dụng một cách tích cực nhất, mang lại hiệu quả xã hội tốt nhất và nhằm phục vụ tốt nhất những nhiệm vụ chính trị của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nói đến kiểm soát quyền lực, trước hết phải coi đây là công việc khách quan của công tác xây dựng Đảng. Bởi trong điều kiện hiện nay, khi Đảng ta là đảng chính trị lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo xã hội thì cán bộ, đảng viên sẽ là những người nắm giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Nhưng chính những người nắm quyền lực trong bộ máy Nhà nước ấy lại có nguy cơ cao về tham nhũng. Chính vì vậy, kiểm soát quyền lực của những người trong bộ máy và đang nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước ấy chính là để ngăn chặn từ đầu các nguy cơ dẫn đến tham nhũng, lãng phí.
Từ nhận thức ấy, trong mấy nhiệm kỳ qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hầu như cứ đến kỳ họp thứ tư của mỗi nhiệm kỳ mới, Đảng ta lại ban hành một nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm đến kiểm soát quyền lực.
Nói đến kiểm soát quyền lực thì phải nói tới những quy chế, quy định mà Đảng đã đặt ra để đạt được mục tiêu: Quyền lực đi liền trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, trong các văn bản về công tác xây dựng Đảng luôn nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó. Để kiểm soát quyền lực, vấn đề đầu tiên phải xác định vị trí của người nắm giữ quyền lực và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải đặt lên hàng đầu. Cùng với hoạt động thanh tra, giám sát của tổ chức Đảng, chính quyền còn phải khuyến khích vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị xã hội hay vai trò giám sát của báo chí để giám sát phản biện về chính sách đường lối, giám sát tư cách của đảng viên. Kết quả một cuộc khảo sát công bố gần đây cho thấy, 70-75% vụ tham nhũng, tiêu cực là do báo chí phát hiện thông qua phản ánh của nhân dân. Chính từ sự giám sát này, các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng nhiều đại án tham nhũng.
Hiện nay, khi bổ nhiệm cán bộ đảng viên, có quy định phải đi kèm nhận xét của cộng đồng dân cư. Cùng với đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước để có thể phát hiện, ngăn ngừa sớm những hành vi sai phạm.
- Vậy theo đánh giá của Giáo sư, cơ chế giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn cần được triển khai thế nào để thực hiện mục tiêu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ?
- Kiểm soát quyền lực xét cho cùng là kiểm soát những người đang nắm quyền lực. Vậy ai nắm quyền lực? Đó chính là những người giữ các vị trí nhất định trong 3 nhánh quyền lực hiện nay, đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Quyền lực của nhân dân sẽ được thực thi thông qua các đoàn thể chính trị xã hội. Đây chính là bộ máy quyền lực mà Đảng ta đang áp dụng để vận hành xã hội, thực hiện những mục tiêu cách mạng do Đảng đề ra.
Như vậy, trong bộ máy này, ai nắm quyền lực thì đều phải chịu sự giám sát nghiêm khắc. Muốn giám sát hiệu quả, trước tiên phải xác định vị trí của từng cá nhân chịu sự giám sát xem trách nhiệm của họ đến đâu. Từ đó đặt ra quy định cụ thể về trách nhiệm của người bị giám sát cũng như trách nhiệm của cơ quan kiểm tra giám sát.
Để kiểm soát quyền lực từ gốc rễ, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao tự phê bình, nỗ lực học hỏi để rèn luyện tư cách đạo đức của cá nhân, từ đó góp phần xây dựng Đảng về đạo đức thông qua việc tự rèn luyện để xây dựng đạo đức cá nhân trong sáng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Phê bình tự mình là phương thức chữa mọi thứ bệnh, mọi thói xấu của cán bộ.
Thứ hai, để kiểm soát hiệu quả quyền lực, bộ máy giám sát như ngành Kiểm tra Đảng, Thanh tra Nhà nước và nhân dân phải thực thi quyền kiểm tra, giám sát mọi lúc, mọi nơi.
Thực tế cho thấy, có vụ đại án tham nhũng liên quan đến nhiều quan chức cấp cao lại bắt đầu từ những mẩu tin rất nhỏ về chiếc xe biển xanh được các cơ quan báo chí đăng tải. Khi kết hợp sự rèn luyện của cán bộ, đảng viên và các cơ chế kiểm tra giám sát sẽ tạo thành hệ thống để bảo đảm có sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực và chống tham nhũng, lãng phí. Đây cũng chính là điều kiện để bảo đảm sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 3 điều bảo đảm sự lãnh đạo đúng của Đảng. Thứ nhất, phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Thứ hai, phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. Thứ ba, phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.
Như vậy, Đảng ta muốn lãnh đạo đúng, tất cả đều phải dựa vào dân, Nhà nước của ta cũng là Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài việc đem lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân. Sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh của lòng dân và niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Khi chúng ta làm việc tốt thì sẽ có được niềm tin của nhân dân, còn khi mất niềm tin của nhân dân là sẽ mất tất cả. Câu nói này cho thấy vai trò đặc biệt của dân. Người dân không chỉ là đối tượng để Đảng lãnh đạo mà niềm tin của dân còn là cơ sở chính trị cho quyền lực của Đảng, mang lại sức mạnh cho Đảng. Khi dân còn gọi là “Đảng ta” nghĩa là dân tin Đảng, có nghĩa là mệnh lệnh của Đảng đưa ra thì dân nghe theo và thực hiện. Vì vậy, chống tham nhũng, lãng phí là tăng cường niềm tin của dân đối với Đảng, tăng cường quyền lực của Đảng với xã hội.
- Có ý kiến cho rằng, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần có sự gắn bó hài hòa, mật thiết giữa “ý Đảng - lòng dân” để đưa đất nước ta phát triển bền vững. Giáo sư có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
- “Ý Đảng - lòng dân” hay vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện bằng niềm tin của nhân dân. Khi Đảng trong sạch thì dân tin. Khi Đảng không trong sạch dân không tin nữa.
Vì vậy chống tham nhũng là để cho Đảng trong sạch, để gây dựng và giữ vững niềm tin của dân đối với Đảng. Lênin đã nói, đã tham nhũng không thể lãnh đạo được nữa. Bởi vậy, khi Đảng trong sạch và giữ vững được niềm tin thì sẽ nhân lên sức mạnh của Đảng. Niềm tin sẽ là cơ sở và động lực để thúc đẩy và hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng to lớn, vĩ đại mà Đảng đã đặt ra. Khi dân tin, người ta sẵn sàng lao động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng ấy.
Trở lại lịch sử đấu tranh cách mạng thời đất nước còn chiến tranh, khi đó, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đấu tranh để giành độc lập tự do. Bằng niềm tin ấy, người dân sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, của cải “xe chưa qua nhà không tiếc”, sẵn sàng dỡ nhà, mở đường cho xe bộ đội chạy qua. Ngày nay cũng vậy, người dân tin Đảng cũng sẵn sàng thực hiện mọi chính sách của Đảng đề ra. Tại thành phố Hồ Chí Minh, khi Thành ủy có chủ trương mở rộng ngõ hẻm, dù giá đất ở trung tâm thành phố rất cao, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hiến đất làm đường vì chính họ cũng có nhiều lợi ích khi ngõ phố rộng rãi. Khi “ý Đảng” hợp với “lòng Dân” giá trị của khu đất được nâng cao, đời sống của người dân cũng thuận tiện hơn. Đây chính là minh chứng thiết thực, cụ thể nhất của sự gặp gỡ của “ý Đảng - lòng dân”.
Thực tế từ nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đến nay cho thấy, Đảng ta đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” dù người vi phạm là ai, giữ chức vụ nào. Nếu có vi phạm, có liên quan đến tham nhũng, lãng phí thì Đảng ta đều đưa ra ánh sáng. Kết quả ấy trước hết thể hiện sức mạnh của Đảng, vì Đảng phải mạnh thì mới có thể thanh trừng những tội phạm tham nhũng tiêu cực. Khi Đảng mạnh, loại bỏ được tham nhũng thì tổ chức Đảng vững mạnh, người dân ủng hộ, tin tưởng, phấn khởi và khi đó chính họ sẽ tạo nên sức mạnh, cùng tham gia chống tham nhũng, lãng phí bằng việc giám sát, phát hiện ra những sai phạm. Nhân dân khi đó chính là động lực để Đảng tiếp tục nỗ lực không ngừng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Vì vậy, niềm tin của nhân dân không những là sức mạnh, mà còn là động lực để Đảng thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
- Từ thực tế triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, Giáo sư có thể đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, từ đó hiện thực hóa mục tiêu “đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”?
- Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến những giải pháp ngăn ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực.
Trước hết, phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng thật chặt chẽ về tổ chức, xây dựng bộ máy và cơ chế vận hành bảo đảm thông suốt, chặt chẽ. Trong bộ máy đó, phải làm rõ quyền lực trách nhiệm từng con người, vị trí công tác và mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, làm rõ để có căn cứ đánh giá xem từng cá nhân có hoàn thành nhiệm vụ được Đảng giao phó và không vụ lợi cá nhân hay không.
Vấn đề thứ hai đặc biệt quan trọng là xây dựng Đảng về đạo đức. Để thực hiện, phải theo dõi, giám sát, nhắc nhở, kiểm tra, rèn luyện và đặt cán bộ vào vị trí tôi luyện để giáo dục đạo đức, tác phong; thông qua tổ chức Đảng giám sát, quá trình phê bình và tự phê bình để mỗi cán bộ tự nhận biết đúng sai.
Thứ ba, phải tăng cường mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, hình thành các cơ chế để người dân có điều kiện tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước và tham gia góp ý với người nắm giữ trọng trách cao nhất đang làm công tác cán bộ hay nắm trong tay quyền lực đất đai…
Thứ tư, phải cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước.
Thứ năm là xây dựng chính sách đãi ngộ cán bộ, đảng viên cho hợp lý để bảo đảm đồng lương và thu nhập của họ đủ trang trải cuộc và không cần tham nhũng để có thêm thu nhập.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Singapore, có thể nhận thấy, mỗi quốc gia đều xây dựng một hệ thống trừng trị khắc nghiệt với tội phạm tham nhũng. Song hành với đó là chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ, công chức để họ có thể sống được bằng lương. Từ đó các quốc gia đã xây dựng thành công một cơ chế “không cần tham nhũng”. Còn với Trung Quốc, chính sách chống tham nhũng còn hà khắc hơn do đặc thù dân số đông với nhiều loại hình văn hóa dân tộc. Nếu không quyết liệt chống tham nhũng, họ sẽ khó giữ được sự ổn định.
Tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức. Việc đưa ra xét xử nghiêm minh những đại án tham nhũng đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong việc ngăn ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, hiện thực hóa mục tiêu: Xây dựng Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, từ đó đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!