Chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm quyền lực được thực hiện đầy đủ, không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích. Nội dung kiểm soát quyền lực được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong các nhiệm kỳ đại hội XI, XII và XIII, cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Vấn đề kiểm soát quyền lực luôn được Ðảng ta chú trọng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đặc biệt là trong các nhiệm kỳ Ðại hội XI, XII. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng cũng đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Thực tế này đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc kiểm soát quyền lực, ngăn chặn lạm quyền, “lợi ích nhóm”".
Tại tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần đề cập vấn đề kiểm soát quyền lực. Trong đó, Tổng Bí thư đã chỉ ra những biểu hiện của tha hóa quyền lực. Bên cạnh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực; những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có nguy cơ gia tăng về số lượng và nghiêm trọng hơn là gia tăng cả về mức độ, tính chất, quy mô.
Để thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực từ gốc rễ, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Ngày 10-9-2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Việc đổi tên, bổ sung từ “tiêu cực”, để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2-2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 5 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, trong tháng 5-2022. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo đã được thành lập.
Song hành với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chủ động ban hành các đề án, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện và hướng dẫn cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp dưới trong triển khai thực hiện như: Đề án số 12-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm”; Chuyên đề “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực”; Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, 9 tháng năm 2022, có 11 tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật. Trong đó Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kỷ luật 8 tổ chức Đảng; cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật 744 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã triển khai toàn diện 6 nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 32 Điều lệ Đảng. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 10 tổ chức Đảng và 15 đảng viên; ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp dưới kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 103 tổ chức Đảng và 321 đảng viên… Những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm đều phải xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh hoặc kiểm điểm nghiêm túc, qua đó góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết nhất trí trong Đảng.
Cùng với Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng các tỉnh, thành phố cũng lần lượt ra mắt, cho thấy sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta trong việc kiên quyết chống tham nhũng và kiểm soát sự tha hóa của của quyền lực từ gốc rễ.
Phân tích những kết quả đã đạt được từ kết quả 10 năm phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, phức tạp và lâu dài. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ tham nhũng, tiêu cực, nhất là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, mà trước hết là lãnh đạo, quản lý.
Nhấn mạnh quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa và tham nhũng, tiêu cực là một trong những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Với các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài…, từ đó giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm", thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Đồng chí cho rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây… Từ đó, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có quyết tâm chính trị rất cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Để chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để thực hiện điều này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng thực thi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác này phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, "chí công vô tư", thực sự là "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng lưu ý phải kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết trong các cơ quan này.
Những định hướng lớn nêu trên sẽ là nền tảng quan trọng để các cơ quan thực thi pháp luật thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sửa chữa những “khuyết tật” của quyền lực.