Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ song hành với việc tăng cường kỷ luật Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý đã được đúc rút từ việc giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng và xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng, qua đó giữ vững niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Trung tuần tháng 6-2022, Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã ra quy định, các quan chức phải báo cáo hoạt động kinh doanh của vợ, chồng và con cái, đồng thời phải giải thích về các hoạt động vi phạm. Những người không báo cáo hoặc tìm cách lách luật, hay lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người thân sẽ bị "xử lý nghiêm theo quy định và pháp luật". Gia đình các quan chức Trung Quốc đã trở thành "mặt trận đấu tranh" quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo truyền thông Trung Quốc, cứ 5 vụ tham nhũng của quan chức bị phanh phui lại có tới 4 vụ liên quan đến người thân của các quan chức. Năm 2021, Trung Quốc đã xử lý khoảng 627.000 quan chức vì "vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật", số lượng nhiều nhất trong một năm kể từ năm 2012. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của CPC năm 2012, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đấu tranh chống tham nhũng. Cùng với việc thiết lập hệ thống chống tham nhũng, CPC đã tiến hành cuộc chiến xóa bỏ tham nhũng, ngăn chặn đảng viên và cán bộ lạm quyền, loại bỏ tham nhũng từ khi tham nhũng còn là ý đồ. Trung Quốc đã duy trì tính nghiêm minh trong kỷ luật và hình phạt áp dụng với những người tham nhũng, không khoan nhượng với loại tội phạm này; đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực thi quyền lực.
Tại Nhật Bản, để tăng cường việc phòng ngừa tham nhũng, nước này quan tâm xây dựng Luật Đạo đức, phổ biến cho tất cả công chức Nhà nước và nhân dân. Đạo luật về đạo đức chỉ áp dụng đối với cá nhân, có giá trị tham khảo về quà tặng và yêu cầu các công chức trung, cao cấp phải báo cáo về những quà tặng có giá trị vượt quá 5.000 yên Nhật. Hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền 300 nghìn yên và có thể lên đến 20 năm đối với công chức đòi hối lộ. Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc xử lý tội phạm về tham nhũng. Theo báo cáo của Cục Hình sự thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, tỷ lệ khởi tố các vụ án tham nhũng đạt 78,4%. Đây là tỷ lệ được xử lý cao nhất trong các loại tội phạm và theo đánh giá của Nhật Bản thì tội phạm tham nhũng được xử lý rất nghiêm khắc, triệt để như vậy là do lực lượng Cảnh sát (cơ quan điều tra trong lực lượng cảnh sát) mang tính độc lập rất cao.
Tại Hàn Quốc, kể từ khi Tổng thống Moon Jae In nhậm chức (2017) với tuyên bố nỗ lực tạo ra “một xã hội minh bạch và trong sạch hơn”, Hàn Quốc đã trải qua quá trình cải cách, đấu tranh quyết liệt trong việc phòng, chống tham nhũng và có sự cải thiện vượt bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) từ vị trí thứ 52 lên vị trí thứ 33/180 quốc gia năm 2020. Hàn Quốc đã xây dựng nền móng pháp lý cho phòng, chống tham nhũng qua việc ban hành hàng loạt đạo luật, đặc biệt là Luật Chống tham nhũng từ năm 2001. Đối với tài sản tham nhũng, luật pháp Hàn Quốc nghiêm cấm hành vi ngụy tạo tài sản thu được từ tội phạm một cách bất hợp pháp hoặc che giấu tài sản thu được (rửa tiền) và quy định về thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên các bộ luật rất nghiêm khắc. Hàn Quốc cũng thành lập Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc - ACRC, được thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng. Đội đặc nhiệm về điều tra rửa tiền và tịch thu tài sản có được phạm tội cũng đã được quốc gia này thành lập. Công tố viên trong các đơn vị này chịu trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng, điều tra và truy tố các hành vi rửa tiền, giám sát điều tra và hỗ trợ điều tra tài chính đối với các hành vi phạm tội thu lợi nhuận bất chính.
Còn tại Singapore, Đảng Hành động nhân dân cầm quyền vừa thực hiện mô hình quyền lực tập trung, vừa thực hiện quyền lực trong sạch, không có tham nhũng biến chất. Để làm được điều đó, Đảng này luôn tiếp nhận sự giám sát chế ước quyền lực từ các đảng đối lập và người dân có quyền dùng lá phiếu của mình để lựa chọn đảng nào được cầm quyền. Bí thư kiêm Thủ tướng Singapore là người có quyền lực cao nhất nhưng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận sự giám sát của Quốc hội. Nhà nước thành lập cơ quan chống tham nhũng và đưa ra Luật phòng, chống tham nhũng. Cục Điều tra tham nhũng có quyền bắt người, quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, quyền điều tra tài sản bất minh của bất cứ nghi can nào. Đảng Hành động nhân dân cũng luôn bảo đảm người nắm quyền lực phải là người trong sạch, tài đức ưu tú của xã hội; không đề bạt người lãnh đạo theo bất kỳ tiêu chuẩn nào khác.
Hòa chung nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tăng cường công khai, minh bạch của các quốc gia trên thế giới, cùng với việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm sai phạm, nhiều văn bản pháp lý cũng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhằm giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng.
Ngày 6-7-2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TƯ về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đây được coi là quy định về kỷ luật của Đảng hoàn thiện nhất từ trước đến nay với nội dung được hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, Quy định số 69-QĐ/TƯ là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của Trung ương, nhất là sau 10 năm chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quy định bao gồm 4 chương, 58 điều bao quát rộng khắp các hành vi có thể vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên; đề cập đến mọi mặt đời sống xã hội, các lĩnh vực liên quan... Quy định cũng thể hiện rõ nét tính chất răn đe, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng nhằm duy trì kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Quy định đã khẳng định mạnh mẽ: Không có hành vi vi phạm kỷ luật nào mà không bị xử lý, không có chế tài; có thể coi là tấm gương để mỗi tổ chức Đảng, đảng viên tự soi, tự sửa và tự tránh.
Tại phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện 13 đề án quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 23 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là về thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên, chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng, về sắp xếp cán bộ bị xử lý kỷ luật, về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới... Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua 8 dự án luật. Chính phủ ban hành 59 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Ban Chỉ đạo đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Từ sau phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án; kết thúc điều tra 10 vụ án/134 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/142 bị can; truy tố 7 vụ án/77 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/55 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/53 bị cáo. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án. 63/63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố đã được thành lập và đi vào hoạt động. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022, kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc. Nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Cùng với đó là yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành... đồng thời phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, giáo dục, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan báo chí.