Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII diễn ra đầu tháng 10-2022 trong ngày làm việc đầu tiên đã thảo luận, thống nhất cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với 3 Ủy viên Trung ương Đảng đã bị Bộ Chính trị kỷ luật; đồng thời khai trừ khỏi Đảng với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng do vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước. Trước đó, nhiều cán bộ, tướng lĩnh cấp cao lạm dụng quyền lực, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng cũng bị khởi tố, đưa ra xét xử và nhận những bản án nghiêm khắc.

Liên quan đến vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, ngay trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII (3-10-2022), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã bị khai trừ khỏi Đảng. Trước đó, ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) cùng nhiều cán bộ cấp cao cũng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị khởi tố, bắt giam do có liên quan đến vụ án.


Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.894 tổ chức Đảng, 6.204 đảng viên (tăng 59,69% số tổ chức, tăng 40,68% số đảng viên so với cùng kỳ năm 2021). Nội dung kiểm tra tiếp tục đi vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như: Công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán… Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 7 Ủy viên Trung ương Đảng đã nhận các hình thức kỷ luật Đảng gồm cách chức, thôi chức, khai trừ ra khỏi Đảng.

Việc phát hiện sai phạm với hàng trăm tổ chức Đảng và đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã cho thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ nói riêng và công cuộc phòng, chống tham nhũng nói chung.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá, việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị vẫn còn là khâu yếu. Trong khi đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công lại chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội, đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có trường hợp còn sa vào suy thoái, tay đã “nhúng chàm”, không dám đấu tranh hoặc tiếp tục tiếp tay cho tham nhũng.

Từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đầu tiên, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng, bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Song hành với đó, phải có cơ chế bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào… Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa".

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt cần lưu tâm việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng này.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải tăng cường kiểm soát quyền lực của cấp dưới, bởi có quyền trong tay nhưng thiếu sự giám sát sẽ dẫn đến tự tung, tự tác, bè cánh, móc ngoặc trở thành lợi ích nhóm.

Nêu lại những quyết định về công tác cán bộ tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn đang còn tiếp tục, các vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm và sẽ làm. Trong đó có những vụ cách đây nhiều năm, ghê gớm, nổi tiếng, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng "trốn cũng không thể trốn được và ai bao che cũng không được, ai bao che sẽ xử lý người bao che". Tinh thần là giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính, chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy nên Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Việt Nam đang thực hiện cũng là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Từ thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý cũng được đúc rút để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Back To Top