Phân tích về mức độ nguy hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra hệ lụy khôn lường là “mất người”, thậm chí “mất cả chế độ”. Những đại án tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử nghiêm minh những năm gần đây đã cho thấy quyết tâm của Đảng trong phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, sửa chữa những “khuyết tật” của quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn mà vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng; vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe và xác định đây là cuộc chiến “không ngừng, không nghỉ”.
Đúc rút 7 bài học kinh nghiệm trong phòng chống, tham nhũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo là chỗ dựa vững chắc, là sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn và do đó, là nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc đấu tranh nói trên. Từ thực tế các vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử nghiêm minh thời gian qua với việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố cho thấy cần phải đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm công tác cán bộ, nhất là đánh giá lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống, tham nhũng, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng, tiêu cực”. Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Về xử lý các vụ án tham nhũng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, giai đoạn 2012-2022, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã khởi tố mới trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ. Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ, điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ Tân Hoàng Minh, FLC… Qua công tác điều tra, cơ quan công an đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định sai phạm mang tính chất cá nhân.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, thời điểm tháng 4-2020, khi mới bắt đầu đại dịch Covid-19, vụ một số cán bộ lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã bị xử lý. Lúc đó, đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên vẫn có một nhóm đối tượng “chưa biết sợ” dẫn đến việc phải xét xử nghiêm minh vụ án tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị có liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đồng thời kiến nghị phải tái kiểm tra, yêu cầu khắc phục tồn tại đã được cơ quan kiểm tra của Đảng chỉ ra, tránh việc cứ có chủ trương nào của Nhà nước về phát triển kinh tế lại bị lợi dụng để trục lợi.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, Bộ Công an và công an cả nước đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can để làm rõ nhiều tội danh trong đại án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á trong đó có 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề để kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được áp dụng để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm vi phạm. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cho biết, những đối tượng, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, như: Quản lý, sử dụng tại chính công, tài sản công; quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; đấu thầu, mua sắm tài sản công cũng được lựa chọn là đối tượng để tiến hành kiểm tra, giám sát. Song hành với hoạt động kiểm tra, giám sát là việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; từ đó tạo nền nếp văn hóa tự giác chấp hành, không dám và không để xảy ra vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Phân tích về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng. Hệ quả là không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ.
Thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua đó, đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước như: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone và mới đây là vụ Việt Á… với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự.
Không chỉ có vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, gồm: Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 180 vụ án, 133 vụ việc; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc là 31 vụ án, 5 vụ việc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành chỉ đạo xử lý là hơn 600 vụ án, vụ việc. Trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự. Trong đó, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người” và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy”, Tổng Bí thư phân tích.
Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng cho thấy, song hành với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, việc xử lý nghiêm minh hành vi lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm răn đe những cá nhân có tư tưởng tham nhũng, lợi ích nhóm và xử phạt thích đáng những cá nhân và nhóm lợi ích lạm dụng quyền lực được giao để trục lợi.