Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự xoay chuyển thực chất

Minh Thúy| 10/08/2018 06:41

(HNM) - Trong thời gian qua, những thành tựu về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn...


Có thể khẳng định, sau gần 10 năm Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời; sau hơn 7 năm triển khai Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và sau 2 năm thực hiện Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó có một số tiêu chí thực hiện đạt kết quả nổi bật như thu nhập bình quân đầu người, quy hoạch sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Theo mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội) có số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, đạt bình quân 18 tiêu chí/xã, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân... Bằng nhiều nỗ lực, sáng tạo, đến nay, Hà Nội đã tiệm cận, đạt và vượt một số chỉ tiêu như 76,1% tổng số xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi xã đạt bình quân 18, 19 tiêu chí...

Song, để đến đích của Chương trình, Hà Nội còn đối mặt không ít thách thức. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, sở, ngành và người dân phải triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa để đạt hiệu quả thực chất, bền vững.

Việc này vẫn phải thể hiện ngay từ khâu tuyên truyền, vận động người dân, gắn họ vào những việc làm cụ thể trong phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Làm sao để người dân là trung tâm các chương trình hành động như trồng cây xanh, hiến đất làm công trình công cộng, sản xuất nông nghiệp sạch, giữ gìn môi trường...

Đặc biệt, để có sự thay đổi căn bản cuộc sống người nông dân thì việc xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở đầu tư hạ tầng, sâu xa hơn, thiết thực hơn phải là cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Muốn vậy, đào tạo nghề giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp... phải được thực hiện thực chất và mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là rà soát, phân loại, nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã nông nghiệp, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ngay tại cơ sở.

Với những vùng còn nhiều khó khăn, thành phố luôn quan tâm đầu tư, nhưng chính các địa phương cũng cần tăng tính chủ động để tìm cách hóa giải bài toán phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ các quận để đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương cần mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với định hướng phát triển sản xuất hàng hóa, giá trị cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, mới đây, ngày 6-8, hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cũng đã nhấn mạnh việc tăng cường liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, đồng thời có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các ngành khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là một trong những cơ sở quan trọng để "nông nghiệp - nông dân - nông thôn" phát triển hơn nữa.

Thực hiện tổng hòa những yếu tố đó là cách để xây dựng nông thôn mới bền vững, hướng đến sự chuyển biến thực chất nhất cho vùng ngoại thành Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự xoay chuyển thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.