(HNM) - Với việc huy động tổng nguồn lực của toàn xã hội, cộng với quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ... hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo được đón Tết Canh Dần 2010 trong ngôi nhà mới.
"Trợ sức"
Hướng dẫn người dân vùng cao tỉnh Hòa Bình sử dụng máy tính và internet.
Ảnh: Thanh Hải
Ở TP Hà Nội, đồng bào DTTS có 58.000 người, chiếm 0,9% dân số. Trong 13 xã dân tộc miền núi có 4 xã thuộc khu vực I, 8 xã khu vực II thuộc vùng khó khăn cần đầu tư, có 1 xã thuộc khu vực III và 5 thôn đặc biệt khó khăn. Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Thị Ánh cho biết, cùng với việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, TP đã đưa các chương trình, dự án phát triển kinh tế về các xã dân tộc miền núi như: khai thác du lịch, dạy nghề, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trang trại… Từ năm 2006 đến nay, TP hỗ trợ cho các xã dân tộc miền núi gần 17 tỷ đồng, quy hoạch kết cấu hạ tầng 10 xã; xây dựng đề án quy hoạch cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2005-2010 với tổng số vốn 130 tỷ đồng. Các chế độ, chính sách về chăm sóc y tế cộng đồng, giáo dục, tuyên truyền chính sách, pháp luật, giao thông nông thôn, nước sạch, trợ cước, trợ giá, vay vốn ngân hàng chính sách, định canh định cư… được quan tâm thực hiện hằng năm.
Các tỉnh phía Bắc đã thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư đồng bào DTTS ở các công trình thủy điện, đặc biệt là thực hiện dự án hỗ trợ các DTTS đặc biệt ít người. Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút được 16 dự án với tổng số vốn 8.525,7 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào, trong đó có con em DTTS. Ngoài ra, các DN còn ủng hộ trên 48 tỷ đồng xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo. Các tỉnh, TP khu vực Nam bộ cũng tích cực hỗ trợ đồng bào DTTS về nhà ở, đất sản xuất, nước sạch, dạy nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... giảm được 4% hộ nghèo mỗi năm.
Bồi dưỡng nguồn nhân lực
Đây là nhiệm vụ được các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm và coi đây là giải pháp thoát đói nghèo bền vững. TP Hà Nội có hẳn một trường THPT dành cho con em đồng bào DTTS, giáo viên của trường được hưởng 70% đứng lớp và 0,3% phụ cấp trách nhiệm. Ngoài ra, trên 60% số phòng học ở các xã miền núi được xây dựng kiên cố. Con em đồng bào DTTS khi thi tuyển công chức vào ngành giáo dục được cộng thêm 30 điểm. TP cũng chú trọng phát triển đảng viên người DTTS, bồi dưỡng nguồn cán bộ. Đến nay có 171 chi bộ với 2.893 đảng viên, 447 cán bộ xã, thôn là người DTTS. Số cán bộ này cùng với đội ngũ già làng, trưởng bản đã có những đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc, động viên người thân và bà con trong thôn, bản tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, tích cực lao động sản xuất, đấu tranh bài trừ các tập tục lạc hậu, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Năm 2009, Chương trình 135 giai đoạn II với nguồn vốn trên 3.700 tỷ đồng đã đầu tư cho 1.799 xã, 3.149 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành đạt gần 100% so với kế hoạch, giải ngân được 77% kế hoạch, cao hơn so với năm 2008. Đã có 12.377 công trình cơ sở hạ tầng, gồm đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt... được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng. 18.400 lượt người được tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 32.000 hộ được vay 160 tỷ đồng để phát triển sản xuất... Qua đó, góp phần giảm 3% số hộ đồng bào DTTS nghèo (hiện nay còn 26,7% hộ DTTS nghèo). Đặc biệt, tại 62 huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đã giảm được 4% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào DTTS. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.