(HNM) - Quan hệ Mỹ - Cuba đang có những tiến triển khả quan khi ngày 30-6 vừa qua, Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật
Trước đây, người dân Mỹ bị hạn chế du lịch sang Cuba. Những người được cấp phép sang Cuba thường là các vận động viên, nghệ sĩ, nhà khoa học và những người Mỹ gốc Cuba về thăm gia đình. Họ chỉ được đến Cuba nếu được phép của Chính phủ Mỹ và bị giới hạn số tiền được sử dụng ở Cuba. Vì vậy, nếu dự luật chính thức thành luật thì đây là bước tiến đầu tiên trong việc tiến tới xóa bỏ cấm vận của Mỹ chống Cuba trong lĩnh vực du lịch. Với 25 phiếu ủng hộ và 20 phiếu chống, dự luật này cũng sẽ cho phép các công ty Mỹ tăng cường xuất khẩu nông phẩm sang Cuba, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các công ty nhập khẩu Cuba trong việc thanh khoản. Dẫu vậy, dự luật này còn phải được thông qua tại Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tài chính Hạ viện trước khi đem ra bỏ phiếu ở Hạ viện, sau đó mới đến Thượng viện bỏ phiếu để ban hành thành luật.
Báo chí Cuba bình luận hành động trên của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ là sự "khởi đầu cho con đường đầy chông gai và khó khăn". Bởi lẽ còn không ít nghị sĩ Mỹ phản đối việc thông qua dự luật và tiếp tục theo đuổi chính sách chống Cuba - một chính sách được đưa ra ngay sau ngày Cách mạng Cuba thành công (1-1-1959) và một năm sau đó (1960), Washington áp đặt lệnh cấm vận nhằm buộc Nhà nước Cuba non trẻ phải đi theo quỹ đạo Mỹ. Gần 50 năm qua, các đời chính quyền của Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù dịch và không ngừng siết chặt chính sách cấm vận chống Cuba.
Thế giới đang tiến bộ từng ngày. Những gì là lỗi thời và vô nhân đạo cần phải được thủ tiêu, bị loại bỏ. Trong chuyến thăm Cuba năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã kêu gọi chính quyền nước ông chấm dứt lệnh cấm vận vô lý và lỗi thời này. Từ năm 1992 đến nay, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã 18 lần lên án chính sách cấm vận vô nhân đạo đó. Đầu năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động lại các liên lạc ngoại giao với Cuba. Ngay tại châu Mỹ Latinh, Cuba không hề đơn độc. Một châu Mỹ Latinh tiến bộ đang ngày càng trở thành nguồn hỗ trợ, động viên lớn với "Hòn đảo tự do" trong cuộc đối đầu với đế quốc ở phương Bắc. Trong khi đó, người dân Mỹ cũng đang ngày càng không muốn tiếp tục chính sách thù địch lỗi thời chống Cuba. Một cuộc thăm dò gần đây do Đài Truyền hình CNN phối hợp với Hãng thăm dò ý kiến Opinion Research Corporation thực hiện cho thấy: 64% dân Mỹ ngày nay muốn nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cuba, và có đến 75% nghĩ rằng nước Mỹ nên tái thiết lập bang giao với Cuba. Những con số này tăng dần qua từng đợt do các hãng thăm dò ý kiến thực hiện trong những năm gần đây.
Vì lẽ đó, quan hệ Mỹ - Cuba đã từng bước được cải thiện. Từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền với đường lối đối ngoại "vươn cánh tay của tình thân ái đối với những đối thủ truyền thống của Mỹ", nước Mỹ đã và đang có những thay đổi bằng cách nới lỏng việc đi lại, cho phép kiều dân Cuba gửi tiền từ Mỹ về nước và cho phép các công ty viễn thông Mỹ làm ăn tại Cuba... Nhưng quan trọng hơn, việc cải thiện quan hệ với Cuba đã trở nên cấp thiết với Mỹ, không chỉ vì lý do chính trị mà nó có thể sẽ trở thành một biện pháp kích thích nền kinh tế đang điêu đứng của Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa dứt hẳn.
Ngoài ra, nguồn dự trữ dầu khổng lồ của Cuba cũng sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho Mỹ. Nguồn dầu với trữ lượng lên tới 20 tỷ thùng nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Tây bắc của Cuba đủ để biến hòn đảo này thành "Qatar của vùng Caribean". Với tiềm năng như vậy, Cuba hứa hẹn gia nhập hàng ngũ 20 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Trước viễn cảnh "nhu cầu năng lượng của thế kỷ XXI sẽ đánh bại nền chính trị của Chiến tranh lạnh trong thế kỷ XX", các công ty Mỹ chỉ có thể giương mắt nhìn nguồn năng lượng quý giá chỉ cách đảo Key West của Mỹ có 80km. Lệnh cấm vận mà Washington áp đặt với La Habana suốt nửa thế kỷ qua đã chặn mọi con đường tiếp cận với thị trường Cuba của các công ty Mỹ.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Washington và La Habana. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy cả Mỹ và Cuba đều đang bước những bước thận trọng trên con đường giải tỏa "tàn dư cuối cùng" của Chiến tranh lạnh đã xuất hiện. Tháng 10-2010 sẽ đánh dấu 50 năm nước Mỹ áp đặt chính sách cấm vận chống Cuba. Đây sẽ là dịp để thế giới một lần nữa thấy rõ chính sách cấm vận chống Cuba của Mỹ đã thật sự lỗi thời và không còn phù hợp trong xu thế phát triển của hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.