Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam - Australia

Đình Hiệp| 13/12/2015 08:05

(HNM) - Mỗi người có một công việc, địa vị xã hội khác nhau… nhưng họ đều có điểm chung là tình yêu đối với Việt Nam và muốn đến mảnh đất hình chữ S để tham gia các hoạt động tình nguyện. Với những kiến thức, kinh nghiệm của mình, những tình nguyện viên (TNV) đến từ Australia được ví như những

Các tình nguyện viên Australia gặp mặt tại Hà Nội nhân ngày Tình nguyện viên quốc tế 5-12 vừa qua.



"Tại sao tôi chọn Việt Nam để đến làm TNV ư? Bởi đơn giản là tôi có nền tảng, kinh nghiệm về dạy bơi ở Australia. Tôi đã làm giáo viên dạy bơi nhiều năm và cũng từng là nhân viên cứu hộ. Tôi đọc được những số liệu cho thấy, số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam rất cao, vì vậy tôi nghĩ rằng những kiến thức của tôi có thể có ích cho người dân nơi đây" - David Hurt (hiện làm việc ở Hội An với nhiệm kỳ 16 tháng trên cương vị cán bộ phát triển thuộc Chương trình Phòng chống đuối nước của Tổ chức Swim Vietnam từ tháng 9-2014 đến nay) cho biết.

Swim Vietnam là tổ chức từ thiện hoạt động ở miền Trung Việt Nam - khu vực hay bị lũ lụt - chuyên tổ chức các lớp dạy bơi khắp tỉnh Quảng Nam, đào tạo các giáo viên bơi và cung cấp các lớp học bơi, an toàn bơi miễn phí cho trẻ em. Với kinh nghiệm của mình, David Hurt đã giúp kết nối và huấn luyện đội ngũ giảng viên nòng cốt, đưa Swim Vietnam thành tổ chức duy nhất cung cấp các khóa học của Tổ chức An toàn tính mạng Hoàng gia Australia bằng tiếng Việt ở Việt Nam. Anh cũng mở nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ của Swim Vietnam để nâng cao kỹ năng dạy bơi của họ và củng cố hoạt động của tổ chức; giảng dạy kỹ năng sơ cấp cứu, hô hấp nhân tạo cho người dân địa phương và truyền thụ kỹ năng cho các cán bộ của Swim Vietnam để họ có thể tiếp tục công việc huấn luyện sau khi anh trở về Australia.

Là một chuyên gia về môi trường của Liên hợp quốc, TS Michael Parsons chia sẻ: "Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã muốn đến Việt Nam để làm một việc gì đó có ích. Tôi nhớ khi 15 tuổi, Chính phủ Australia đưa quân đội sang Việt Nam giúp Mỹ tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi đó, tinh thần phản đối chiến tranh trong giới sinh viên Australia rất cao và tôi đã quyết không gia nhập quân đội để không phải sang Việt Nam tham chiến. Nhưng tôi luôn mong muốn được đến đất nước các bạn và mãi đến năm 2007, ước mơ mới thành hiện thực".

TS Michael Parsons cho biết, ông đã "phải lòng" Việt Nam ngay từ khi đặt chân đến đất nước này. Vì thế, ông đã có nhiều năm và nhiều nhiệm kỳ làm TNV tại Việt Nam, khi đang làm việc tại Australia cũng như hiện nay đã nghỉ hưu. Hiện nay TS Michael Parsons là chuyên gia chính sách môi trường tại Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cương vị của mình, ông đã hỗ trợ Viện đề xuất, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu, các dự án hợp tác quốc tế; chia sẻ hàng trăm tài liệu có giá trị về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Australia là quốc gia có văn hóa, tinh thần tình nguyện mạnh mẽ cả ở trong nước và quốc tế. Hằng năm, hơn 6 triệu người Australia tham gia các hoạt động tình nguyện nhằm giúp cho cộng đồng thế giới tốt đẹp hơn. Tại Việt Nam, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đã có hơn 1.000 TNV Australia sang làm việc trong khuôn khổ Chương trình TNV quốc tế của Chính phủ Australia. Các TNV Australia thông qua những kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của mình đã hỗ trợ các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học và khu vực tư nhân tại Việt Nam. Hiện có hơn 40 TNV Australia đang làm việc tại Việt Nam. Bằng sự say mê và chuyên môn của mình, họ đã và đang mang đến những đóng góp cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, y tế, môi trường, phát triển cộng đồng và xã hội… Những đóng góp thiết thực này đang góp phần thúc đẩy sự gần gũi, hiểu biết, chia sẻ giữa hai dân tộc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam - Australia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.