(HNM) - Thời gian qua, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy tốt vai trò cầu nối, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường của tình hình thương mại quốc tế hiện nay, hệ thống thương vụ cần làm tốt hơn nữa chức năng “sứ giả kinh tế” của Việt Nam tại nước ngoài.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta liên tục đạt tăng trưởng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta đạt kỷ lục mới 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021, đưa Việt Nam vào tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa nước ta đạt xuất siêu 4,7 tỷ USD. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của ngành Công Thương, đặc biệt là hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương nhằm tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của nước ta. Đáng chú ý, thông qua 9 hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng kể từ tháng 7-2022 đến nay, hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài đã cập nhật thông tin mới nhất về tình hình hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài, các chính sách, quy định mới của nước sở tại về hoạt động xuất, nhập khẩu để các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh hoạt động.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đánh giá, hệ thống thương vụ đã thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài. Các thương vụ đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin thị trường, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các thương vụ còn tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, Ngày mua hàng Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài…
Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng thông tin: “Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, thời gian qua, thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Mỹ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Mỹ”.
Trong thời gian tới, để bảo đảm đà tăng trưởng xuất khẩu, một trong những giải pháp là cần phát huy vai trò và vị trí tiền tuyến của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tập trung đánh giá, dự báo tình hình kinh tế, chính sách của các nước và khu vực sở tại để tham mưu với Bộ Công Thương và Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, danh mục, quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu, đồng thời tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, phổ biến quy cách, tiêu chuẩn hàng hóa, tập quán tiêu dùng…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Liên - đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tại Hà Nội đề nghị, cơ quan thương vụ chia sẻ quy định của nước sở tại về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, yêu cầu về bao bì để hiệp hội phân tích, rút ra thông tin thị trường cho hội viên, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế.
Còn Tham tán thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, để hỗ trợ tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia, cơ quan thương vụ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tăng trải nghiệm của người tiêu dùng Australia với hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam tới các bang xa. “Doanh nghiệp trong nước có thể gửi hàng mẫu trưng bày tại khu vực trưng bày hàng hóa Việt Nam tại Australia nhằm tăng tính nhận diện và quảng bá cho hàng Việt”, ông Nguyễn Phú Hòa đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.