(HNMO) - Sự cố thang máy "trôi" tự do tại nhà chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) khiến 3 người bị thương và hai thang máy tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Oanh (thôn Bắc, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) khiến 38 người mắc kẹt, cùng xảy ra ngày 29-11, đã làm không ít người lo ngại về sự an toàn đối với thang máy tại công trình cao tầng.
Ngày 29-11-2020, tại chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) xảy ra sự cố "trôi" thang máy. Thời điểm trên, có 11 người sau khi ăn giỗ tại căn hộ 1011 (tầng 10) đã vào thang máy cùng lúc để đi về. Khi thang xuống đến tầng 5 thì bị trôi, sàn thang cách nền nhà khoảng 50cm.
Cũng trong chiều 29-11-2020, trong quá trình di chuyển, hai thang máy tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Oanh (thôn Bắc, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) bất ngờ gặp sự cố khiến 38 người mắc kẹt bên trong. Sau khi giải cứu an toàn các nạn nhân, Công an thành phố Hà Nội xác định một thang máy chở 17 người và thang máy còn lại chở 21 người.
Câu hỏi nhiều người quan tâm là ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm khi xảy ra các sự cố kể trên và làm thế nào để hạn chế các tình huống tương tự?
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết, với mỗi công trình được xây dựng, công tác bảo trì công trình, thiết bị là một trong những khâu đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng, tăng cường độ bền, bảo đảm an toàn cho người sử dụng...
Chính vì vậy, những quy định về công tác bảo trì công trình được quy định ngày càng chặt chẽ trong Luật Xây dựng, quy định các công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào khai thác, sử dụng đều phải được bảo trì theo kế hoạch và quy trình được phê duyệt.
Trong thực tế, sự xuống cấp sớm, hoặc cá biệt xảy ra các sự cố mất an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng của các công trình xây dựng chủ yếu là do không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt công tác bảo trì.
Về trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình, theo Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng: Công trình thuộc sở hữu nhà nước thì tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quản lý, khai thác công trình có trách nhiệm bảo trì công trình; công trình thuộc sở hữu khác, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm bảo trì công trình. Đối với nhà ở, các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và thỏa thuận đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Với các sự cố trang thiết bị dùng chung (thang máy) tại các công trình chung cư cao tầng, ai là người chịu trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Hữu Tiến, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, với các công trình nhà chung cư nói chung, nếu chưa thành lập ban quản trị thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp nhà chung cư đã thành lập ban quản trị và chủ đầu tư đã bàn giao công tác quản lý, vận hành tòa nhà cho ban quản trị, thì ban quản trị và đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà (ban quản trị ký hợp đồng) sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố.
Vậy nhưng, với nhiều chung cư, đa phần ban quản trị thường là người không có chuyên môn trong công tác quản lý, vận hành tòa nhà cũng như bảo trì các thiết bị, liệu trách nhiệm này có "quá sức"?
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc vận hành, quản lý nhà chung cư phải do đơn vị đủ điều kiện về chức năng, năng lực thực hiện quản lý, vận hành. Danh sách các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đủ điều kiện về chức năng, năng lực thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư cũng đã được Sở Xây dựng công bố công khai tại website của Sở. Ban quản trị ký hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành và đơn vị bảo trì thiết bị; theo dõi lịch bảo trì định kỳ các trang thiết bị như máy bơm, máy phát điện, thang máy...
Theo các chuyên gia xây dựng, nhà ở, việc xảy ra sự cố khi đi thang máy hiện nay không phải là hiếm, nhất là các trường hợp kẹt thang máy.
Để bảo đảm an toàn, bên cạnh thực hiện bảo trì theo kế hoạch để bảo đảm thiết bị vận hành ổn định, người dân cũng cần tuân thủ các quy định, cảnh báo khi sử dụng thang máy; không để hàng cồng kềnh hay di chuyển quá lượng người so với tải trọng của thang máy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.