(HNM) - Bắt đầu từ hôm qua (10-2), UBND thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành Kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo tại địa chỉ “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội”. Trước đó một ngày, UBND thành phố cũng khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung.
Như vậy đến nay, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố.
Để chuẩn bị cho sự vận hành các hệ thống trên, thời gian qua đã có 633 cơ quan, đơn vị (23 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) tham gia triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. Số lượng văn bản được cập nhật lên hệ thống là 96.240; số lượng văn bản điện tử được giao dịch thông qua hệ thống là 12.492. Văn phòng UBND thành phố cũng phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ Zalo đưa kênh tiếp nhận “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội” tới hơn 7 triệu tài khoản Zalo của người dân Thủ đô để biết và khai thác sử dụng… Hệ thống “một cửa” áp dụng phần mềm dùng chung 3 cấp ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả rõ nét.
Trước hết phải khẳng định, những phần việc trên là nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố trong công tác cải cách hành chính, hướng tới hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử ở Thủ đô. Đồng thời, đây còn là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao vận hành hiệu quả các hệ thống để góp phần vào công tác cải cách thủ tục hành chính nói riêng và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung?
Trước hết, về phía chính quyền thành phố, ngoài việc đầu tư hạ tầng thiết bị, nhân lực để vận hành trơn tru 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng đã nêu thì cần chú trọng khâu giám sát, kiểm tra chính quyền cấp dưới trong thực hiện nội dung này. Cần xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua, nhất là với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó là không ngừng đào tạo, đào tạo lại cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, nhất là những người trực tiếp xử lý hồ sơ hành chính những lĩnh vực chủ chốt, như: Địa chính, tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội… để thành thạo các kỹ năng số, qua đó phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Về lâu dài, phải từng bước có cơ chế chính sách khuyến khích người dân trong vấn đề sử dụng các tiện ích mà công nghệ mang lại. Ví dụ như khi giao dịch trực tuyến toàn phần đối với các bộ phận ở trung tâm hành chính công thì phải có cơ chế về giảm phí hoặc khuyến khích, động viên bằng một hình thức nào đó…
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong việc ứng dụng các tiện ích nêu trên của thành phố chính là sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, mỗi người dân, nhất là lực lượng lao động trẻ cần đi đầu trong ứng dụng các tiện ích số từ chính quyền các cấp mang lại, đồng thời hướng dẫn, lan tỏa để người thân cùng thực hiện.
Khi chính quyền sẵn sàng và được người dân song hành thực hiện thì công tác cải cách hành chính, hướng tới hình thành chính quyền số ở Thủ đô nhất định thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.