Góc nhìn

Sớm ứng phó nắng hạn

Bắc Vũ 03/04/2024 - 06:32

Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, nhưng nền nhiệt đã rất gay gắt và cao hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều nơi chạm ngưỡng 39-40 độ C - một hiện tượng hiếm thấy so với cùng thời kỳ những năm trước.

Trong khi đó, khoảng một tháng qua, tình trạng nắng nóng gay gắt đã xuất hiện liên tục ở khu vực miền Đông Nam Bộ và dự báo còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới.

Những dấu hiệu rõ rệt kể trên cho thấy, mùa nắng nóng năm nay đã khởi động sớm và dự báo một mùa hè đang tới sẽ rất khắc nghiệt.

Thực tế trong các bản tin dự báo thời tiết dài hạn, cơ quan khí tượng đều khẳng định mùa hè năm nay sẽ có những đặc điểm chính là nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn và cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, không loại trừ khả năng mùa hè năm 2024 sẽ thiết lập kỷ lục nhiệt độ.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã, đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng gay gắt. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh của người dân. Thực tế, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nắng nóng kéo dài đã gây ra hiện tượng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong khi đó, ngoài nắng nóng, dự báo mùa lũ năm nay ở Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30-40% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (ngày 1-4-2024) yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành chức năng cần tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Cụ thể, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống phù hợp với các kịch bản về nguồn nước. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Điện cùng các đơn vị chức năng xây dựng phương án vận hành các hồ chứa thủy điện và huy động điện phù hợp từ các nhà máy thủy điện để bảo đảm nước sinh hoạt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước và đáp ứng nguồn nước cho phát điện.

Nắng nóng và nắng nóng gay gắt cũng có nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, các địa phương và ngành chức năng cần chủ động lên phương án phòng tránh, xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với tình huống xấu nhất là hỏa hoạn có thể xảy ra.

Nắng nóng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, do đó, ngành Y tế cùng các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng tránh nắng nóng đến người dân; trong đó, đặc biệt lưu ý đến người già và trẻ nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm ứng phó nắng hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.