Môi trường

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong kinh doanh, sản xuất:Xu thế phát triển bền vững

Lam Giang 08/07/2025 - 06:26

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, việc xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế bền vững là xu hướng tất yếu với các ngành sản xuất.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp, ngành hàng mong muốn có thêm trợ lực từ các chính sách để có thể chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

xanh-1.jpg
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất ống thép tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Nguyễn Nghị

Tăng cường kinh tế tuần hoàn

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) Đặng Văn Sơn, định hướng kinh tế tuần hoàn ngành giấy hướng tới phát triển sản phẩm giấy có định lượng thấp với chất lượng cao, có độ trắng thấp phù hợp hoặc không tẩy trắng; giảm tiêu hao năng lượng (điện, hơi sấy) và nước sạch, giảm phát thải trong sản xuất. Bên cạnh đó là tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu gom và tái chế sản phẩm giấy đã qua sử dụng; tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là việc đưa vào sử dụng lò hơi đồng phát trong sản xuất; đầu tư cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hiện nhiều doanh nghiệp hội viên VPPA có công suất sản xuất lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm gắn với đầu tư các dây chuyền tái chế hiện đại, bảo đảm tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Trước đây để sản xuất ra một tấn giấy doanh nghiệp phải tiêu hao từ 15-20m3 nước, nhưng nhờ nâng cấp công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại… con số này chỉ còn 3-4m3/1 tấn sản phẩm, tiêu hao năng lượng cũng giảm khoảng 20-30% so với trước.

Mặt khác, từ việc thúc đẩy hoạt động tái chế nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giấy đã đẩy mạnh các hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước, tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu thứ cấp thiết yếu trong sản xuất của ngành.

Là một trong những ngành công nghiệp gây phát thải lớn, những năm qua ngành thép Việt Nam cũng đang nỗ lực giảm thiểu tác động tới môi trường. Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, các doanh nghiệp ngành thép đã tích cực, chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến trong vận hành sản xuất để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, tiến tới chuyển đổi xanh và áp dụng các giải pháp sản xuất thép xanh hơn.

Thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát) Hồ Đức Thọ cho biết, doanh nghiệp đã dành 30% tổng vốn cố định khi triển khai đầu tư các khu liên hợp thép cho những công nghệ thân thiện môi trường. Nhờ giải pháp thu hồi nhiệt dư từ quá trình luyện gang thép để phát điện, Hòa Phát đã có thể tự chủ được 90% tổng nhu cầu điện cho sản xuất.

Đáng chú ý, để đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, Hòa Phát đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 cho các dòng, mã sản phẩm đang sản xuất.

Cùng với ngành giấy, ngành thép, các ngành sản xuất công nghiệp nước ta đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất xanh, tuần hoàn thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm lượng chất thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất… Từ đó doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng cường hiệu suất mà đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Cần trợ lực từ chính sách

xanh-2.jpg
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty Giấy Sông Đuống (phường Việt Hưng). Ảnh: Cấn Dũng

Lợi ích của chuyển đổi sản xuất bền vững với các doanh nghiệp sản xuất đã thấy rõ song rào cản cũng là không nhỏ. Để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với ngành giấy liên quan tới thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp ngành giấy đang đối mặt nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp còn lúng túng trong việc lập kế hoạch tái chế, thực hiện báo cáo định kỳ, hoặc chưa có đầy đủ hạ tầng và công nghệ để đáp ứng tỷ lệ tái chế tối thiểu. Việc phân loại chất thải tại nguồn, một khâu then chốt của EPR cũng cần thời gian để tạo thói quen từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khi đó, vấn đề trọng tâm của doanh nghiệp ngành thép là giảm phát thải carbon, song hạ tầng công nghệ hiện tại còn yếu kém, số nhà máy sử dụng công nghệ phát thải cao còn chiếm tỷ lệ lớn. Cùng đó, cơ sở thu gom và tái chế thép phế liệu chưa được phát triển đầy đủ, hạn chế khả năng sử dụng thép tái chế. Ngoài ra, chi phí sản xuất gia tăng do doanh nghiệp phải thực hiện chứng chỉ phát thải trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Thực tế trên cho thấy bên cạnh sự nỗ lực nội tại, doanh nghiệp ngành giấy, ngành thép và các ngành sản xuất nói chung rất cần sự đồng hành của cơ quan chức năng nhất là về khung pháp lý rõ ràng trong phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với những khó khăn hiện có.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh đến năm 2050, phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

“Trong thời gian tới, để thích ứng với các quy định mới, các doanh nghiệp ngành thép mong muốn Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời, có những cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam để chuyển đổi xanh cũng như sản xuất bền vững”, ông Đinh Quốc Thái nêu.

Bộ Công Thương cho biết, đang triển khai các chính sách hỗ trợ như chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chứng nhận phù hợp, giúp doanh nghiệp vừa bảo đảm tuân thủ quy định, phát triển bền vững vừa tiếp cận hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong kinh doanh, sản xuất: Xu thế phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.