Cục Chăn nuôi dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cơ bản được bảo đảm, nhu cầu tiêu thụ không tăng cao khi thời tiết chuẩn bị bước vào giai đoạn nắng nóng; dự báo giá thịt gia súc, gia cầm có khả năng giảm khi nắng nóng, tiêu thụ chậm…
Ngày 2-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao ban khối chăn nuôi quý II và nghe báo cáo một số kiến nghị của hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, quý I-2024, chăn nuôi ổn định, tổng đàn và tốc độ tăng trưởng, sản lượng bò hơi xuất chuồng ước đạt 132,5 nghìn tấn (tăng 1,5%), sản lượng sữa bò ước đạt 331,3 nghìn tấn (tăng 5,2%). Đàn lợn tăng 3,3%; sản lượng lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1,29 triệu tấn (tăng 4,6%). Tổng số gia cầm tăng 2,1%; sản lượng gia cầm hơi ước đạt 593,8 nghìn tấn (tăng 5,1%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5,0 tỷ quả (tăng 4,8%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I-2024 ước đạt trên 2 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 38,2 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa là 36,8 triệu USD.
Cục Chăn nuôi dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cơ bản được bảo đảm, nhu cầu tiêu thụ không tăng cao khi thời tiết chuẩn bị bước vào giai đoạn nắng nóng, dự báo giá thịt gia súc, gia cầm có khả năng giảm khi bước vào mùa nắng nóng, tiêu thụ chậm…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá tăng trưởng của ngành chăn nuôi quý I-2024 ở mức cao nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa như kỳ vọng. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cần tăng cường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tăng cường cơ hội hợp tác trong bối cảnh triển khai quy định của CPTPP, EVFTA; khảo sát đánh giá thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến một số nước trong khối ASEAN, khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Âu...
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh (đối với người và đàn vật nuôi) diễn biến phức tạp, áp lực lớn của thị trường đối với sản phẩm chăn nuôi.
Trong quý II-2024, ngành chăn nuôi tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2024, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, tận dụng quy định mới về đất dành cho chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.