Nông nghiệp - Nông thôn

Đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn:“Đòn bẩy” phát triển bền vững

Đỗ Minh 02/04/2024 - 07:32

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn.

Hoạt động này không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo “đòn bẩy” để ngành Nông nghiệp bứt phá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân...

ha-tang.jpg
Hạ tầng khang trang của tuyến đường liên xã tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Đỗ Tâm

Chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn

Huyện Đông Anh là một trong những địa phương của thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đối với các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện giao thương cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Từ năm 2021 đến hết năm 2023, huyện đã huy động được khoảng 5.935 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách huyện là 5.017 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn này được đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn”.

Tương tự, thời gian qua, huyện Thanh Oai đã tranh thủ tối đa các nguồn lực để triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa của người dân.

Anh Ngô Minh Trưởng, ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, trước kia đường sá ở Thanh Oai chật hẹp, đi lại rất khó khăn, muốn phát triển mô hình nông nghiệp nào cũng khó khăn. Giờ đây, ô tô tải có thể vào tận xóm, xuống tận vườn... Vì thế, anh đã mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng khu trồng lan hồ điệp công nghệ cao. Khi khách hàng khắp mọi nơi về mua hoa, đường sá phát triển, việc vận chuyển cũng trở lên thuận lợi, tiết kiệm hơn.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2023, kế hoạch vốn thành phố giao cho ngành Nông nghiệp là 1.425,742 tỷ đồng và vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là 382,763 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản, ngành đã tập trung cho Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích ở huyện Ba Vì; Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); 3 dự án kè chống sạt lở vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025… Trong năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng giao cho Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đầu tư 68 công trình cải tạo, chống xuống cấp đê điều và thủy lợi...

“Việc chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ cho ngành Nông nghiệp đã tạo diện mạo mới cho nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, kết nối chuỗi nông nghiệp giữa các địa phương và giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố bạn”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Thu hút thêm nhiều nguồn lực

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành phố Hà Nội cần ưu tiên dành nguồn lực để từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, hạ tầng thủy lợi, giao thông vẫn được coi là “xương sống” để nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập.

Nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội định hướng phát triển kết cấu hạ tầng theo hai nhóm, đó là nhóm nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng phòng, chống thiên tai.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, đối với hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội lựa chọn các dự án thủy lợi phục vụ tưới, tiêu vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; nâng cấp đê, kè sông, kênh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thành phố ưu tiên cho các dự án nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ nghiên cứu, phân tích các tác động của thiên tai, từ đó có định hướng cụ thể cho đầu tư hạ tầng; trong đó có vấn đề bức thiết hiện nay của thành phố, như: Hạ thấp mức nước các dòng sông, cấp nước làm sạch sống lại các dòng sông, cải thiện môi trường, cảnh quan.

“Sau khi tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được xây dựng xong sẽ tạo thành vành đai phân định phạm vi phát triển đô thị mở rộng và phạm vi ngoại thành thành phố. Cùng với đó, sự phân tách hệ thống hạ tầng, trong đó vùng thoát nước đô thị sẽ được phân định rõ…”, ông Nguyễn Xuân Đại chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng các phương án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch đất đai và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn: “Đòn bẩy” phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.