(HNM) - Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước đã phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối chiếu với các quy định, việc khai thác và quản lý phát triển không gian ngầm - không gian thứ hai của đô thị Hà Nội, còn nhiều “nút thắt” cần sớm tháo gỡ.
- Ông đánh giá thế nào về nhu cầu sử dụng, khai thác và quản lý phát triển không gian ngầm hiện nay?
- Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đã được quy định từ năm 2009 tại Luật Quy hoạch đô thị. Dù chưa mang tính bắt buộc, song quy hoạch không gian ngầm đang ngày càng trở nên bức thiết khi quỹ đất xây dựng tại các thành phố lớn hầu như cạn kiệt, các không gian công cộng, không gian xanh ngày càng bị thu hẹp, ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị trầm trọng... Không gian ngầm được coi là không gian thứ hai của đô thị, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái... hướng tới phát triển hiện đại và bền vững.
Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 tỷ lệ 1/10.000. Quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm; đồng thời kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn thành phố. Nhiều đô thị khác cũng đã quan tâm đến vấn đề này nhưng việc triển khai còn nhiều thách thức, vướng mắc.
- Những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm cụ thể là gì, thưa ông?
- Trước hết, thông tin, số liệu hiện trạng, gồm các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất nền, thủy văn, hiện trạng về sử dụng đất, về xây dựng công trình, quản lý, khai thác không gian ngầm hiện phân tán tại nhiều cơ quan chuyên môn, mà chưa được chuẩn hóa thống nhất; tính cập nhật, bổ sung còn rất hạn chế... Việc chia sẻ, tiếp cận thông tin dữ liệu rất khó khăn, chưa có chế tài cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin và hình thành đầu mối để quản lý thống nhất việc này.
Tiếp đó, quy hoạch không gian ngầm đã được quy định nhưng chưa mang tính bắt buộc, vì vậy có thực hiện hay không tùy vào mỗi địa phương. Mặt khác chưa có trình tự, thủ tục cụ thể về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ngầm. Quyền sử dụng đất phần không gian ngầm đóng vai trò rất quan trọng trong quy hoạch và quản lý không gian ngầm, đang là nút thắt khi kêu gọi các nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, chúng ta đang thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, xây dựng công trình ngầm, đặc biệt là độ an toàn, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, cấp, thoát nước; quy định vùng hạn chế, phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm, đặc biệt các tuyến tàu điện ngầm...
- Vậy để dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần những giải pháp ra sao?
- Trước hết cần điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian (3D) về công trình ngầm để chuẩn hóa dữ liệu, thống nhất việc sử dụng phần mềm; lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ hiện trạng công trình ngầm. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang giao Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu công trình ngầm gắn với cấu trúc nền địa chất phục vụ quản lý phát triển không gian ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội”. Hy vọng kết quả đề tài sẽ đóng góp hiệu quả vào công tác quy hoạch và quản lý... Tuy nhiên phạm vi đề tài hẹp và thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, vì vậy cần có kinh phí để mở rộng toàn thành phố cũng như cập nhật thường xuyên.
Tại Hà Nội, sau khi đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm, thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai với thời gian cùng các nguồn lực tương ứng. Trong quy hoạch đã chỉ ra các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố là hạt nhân phát triển không gian xây dựng ngầm; định hướng phát triển đô thị theo mô hình kết nối với giao thông công cộng (TOD)... Đây là cơ sở hình thành các dự án để kêu gọi đầu tư các công trình ngầm. Căn cứ vào quy hoạch chung không gian ngầm và các tuyến đường sắt đô thị đang được thực hiện, thành phố có thể lựa chọn 1-2 khu vực dự kiến phát triển theo mô hình TOD để đầu tư thí điểm.
Ngoài ra, thành phố cần ban hành các chính sách hỗ trợ và ưu đãi để xây dựng công trình ngầm đô thị; ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật và đơn giá phù hợp với điều kiện của Hà Nội đối với các công trình ngầm sử dụng vốn nhà nước; thành lập cơ quan quản lý không gian ngầm nhằm thống nhất quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về không gian ngầm và đề xuất định hướng về quản lý, khai thác và sử dụng không gian ngầm; tham mưu về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng công trình ngầm...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.