Giáo dục

Sớm giải quyết bất cập trong xây dựng trường học

Việt Tuấn 04/09/2023 - 06:53

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố Hà Nội hiện mới đạt 59%. Nhiều nơi, diện tích đất xây dựng trường thì có nhưng thiếu nguồn lực đầu tư và ngược lại; tại khu đô thị mới được quy hoạch nhưng không thực hiện xây dựng trường lớp.

doan-khao-sat-cua-thuong-tr.jpg
Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát cơ sở vật chất của Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình).

Khảo sát mới đây của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về nội dung này cho thấy, để nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết bất cập trong xây dựng trường học, đặc biệt là ưu tiên dành quỹ đất, bố trí nguồn lực tập trung.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ

Theo khảo sát của HĐND thành phố, trong khi các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy... gặp khó khăn về diện tích đất để mở rộng hoặc xây trường mới thì các huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mê Linh, Ba Vì... lại thiếu kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo. Đáng chú ý, còn tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ tại một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng, dẫn đến các chỉ tiêu (số lớp/trường, số học sinh/lớp) không bảo đảm.

Thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố, UBND cấp huyện đã phối hợp với các nhà trường khảo sát, xem xét khả năng mở rộng quy mô diện tích đất, xác định quy mô đầu tư nhằm bảo đảm tính đồng bộ dự án, phù hợp với mục tiêu đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do việc khảo sát, dự tính chưa sát, một số dự án có nhu cầu tăng mức đầu tư, nên phải cân đối bổ sung phần vốn tăng so với kế hoạch, dẫn đến chậm tiến độ.

Cùng với đó, một số dự án được phân cấp về UBND cấp huyện, nay do trượt giá vật tư, vật liệu dẫn đến không đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo quy mô được duyệt, chủ đầu tư phải cắt giảm quy mô đầu tư dẫn đến dự án có thể không bảo đảm đạt tiêu chí chuẩn quốc gia. Đặc biệt, UBND cấp huyện đang triển khai nhiều dự án trên các lĩnh vực khác nhau dẫn đến không đủ nhân lực để thực hiện.

Không chỉ khó khăn trong đầu tư các trường đạt chuẩn quốc gia, việc triển khai xây dựng các trường học tại các khu đô thị mới cũng khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng trường mầm non, trường phổ thông. Song, mới có 63 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch. 15 dự án khu đô thị nằm trên địa bàn 7 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì có 51 ô đất quy hoạch xây dựng trường mầm non và trường phổ thông, nhưng chưa thực hiện được.

Kiến nghị các giải pháp

Trước những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị UBND thành phố có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các nhà đầu tư được tiếp cận đất làm trường, góp phần giảm tải cho các trường công lập. Vì hiện nay, toàn thành phố có 104 trường trung học phổ thông tư thục đang hoạt động với tổng số 50.432 học sinh (chiếm 19,22% tổng số học sinh trung học phổ thông toàn thành phố); số trường chưa có địa điểm phải đi thuê mượn là 53/104 trường.

Do tính lịch sử, các trường trung học phổ thông tư thục đã được thành lập từ nhiều năm trước đây nhưng hiện chưa được thành phố cho thuê đất nên không có trong quy hoạch mạng lưới trường học, vì thế nhiều trường trung học phổ thông tư thục phải đi thuê mượn địa điểm hoạt động.

Hiện nay, mức độ phổ cập xã hội hóa giáo dục - đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương, thường chỉ tập trung ở 12 quận có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhà đầu tư dễ thu lợi nhuận. Mức độ phổ cập xã hội hóa chưa phát huy tại một số huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thành phố có cơ chế ưu đãi đối với những nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa tại những địa bàn còn khó khăn (thành phố xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất cho các trường học thuê với giá ưu đãi, miễn giảm tiền thuế đất...).

Đặc biệt, hiện tại, các khu đô thị có ô đất xây dựng trường được các nhà đầu tư bất động sản đang nắm giữ và chậm triển khai xây dựng trường học cũng như không hợp tác dẫn đến thiếu trường học trong các khu đô thị, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị có cơ chế thu hồi đối với các dự án chậm triển khai này.

Ngoài những đề xuất nêu trên, các ý kiến cho rằng, việc thành phố ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở để xây trường cũng rất cần thiết. Khi lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư, tập thể cũ, ưu tiên dành quỹ đất để phát triển các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đang thiếu trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng xem xét việc nâng tầng và tăng mật độ xây dựng đối với các trường không còn quỹ đất. Đối với các huyện, trong lúc thiếu nguồn vốn cân đối để đầu tư cho giáo dục, thì khi thực hiện dự án đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa theo phân cấp, cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm giải quyết bất cập trong xây dựng trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.