Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm đưa Ba Vì thoát khỏi danh sách xã nghèo của Hà Nội

Minh Huệ| 17/10/2014 20:37

(HNMO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đối với các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Ba Vì và xã Ba Vì...

Ba Vì là một xã miền núi đặc thù của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội, với 98% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn huyện và thành phố (với 35,73% hộ nghèo và 21,9% hộ cận nghèo). Tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 2.540 ha, trong đó có 2.201,69 ha do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý, còn lại 340 ha thuộc phạm vi sử dụng của địa phương. Toàn xã có 2.152 nhân khẩu, 487 hộ dân cư, sống rải rác tại 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn, nằm dưới sườn Tây núi Ba Vì.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trò chuyện với nhân dân thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì nhân dịp về thăm và làm việc với xã


Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên, diện tích đất cây lâu năm của xã là 189ha, diện tích cấy lúa 22,62 ha nhưng phần diện tích có thể cấy lúa cho thu hoạch chỉ khoảng 18 ha với năng suất đạt 52 tạ/ha. Số đất còn lại là đất ven các con suối và đồi dốc, nhiều đá nên rất khó trồng trọt. Một số hộ dân phải tận dụng diện tích vườn đồi khác để trồng ngô với diện tích 18 ha.

Về cây trồng khác: xâm canh tre, măng bương trên cos 100 là 95 ha; cây chè 45 ha; cây sắn, đót 90 ha. Bên cạnh đó, chăn nuôi trên địa bàn xã còn mang tính nhỏ lẻ: tổng đàn trâu, bò 366con; đàn lợn 1.749 con; dê 48 con. Tổng thu từ chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn xã bình quân đạt hơn 7,49 tỷ đồng/năm; tổng thu dịch vụ 6,56 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn xã có 141 hộ tham gia trồng, thu hái, sơ chế, mua bán thuốc nam và chữa bệnh bằng cây thuốc nam; nghề phụ chỉ có 1 nhóm hộ sản xuất chổi chít với 12 lao động (thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng)…

Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được bảo đảm, hiện trên địa bàn xã không có điểm nóng về an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm. Song, đáng lo ngại, từ năm 2012 đến tháng 4-2014 có 231 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tính đến 30-9-2014, do xã làm tốt công tác giải thích, vận động nên đã có 144 người trở về làm ăn tại địa phương; hiện còn 87 người vẫn lao động trái phép tại Trung Quốc, trong đó một số người gặp khó khăn chưa có tiền để trở về.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kết luận buổi làm việc tại xã Ba Vì chiều 17-10


Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ghi nhận những cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự thời gian qua. Theo Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, UBND thành phố ban hành kế hoạch 166 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu của Thủ đô đến năm 2015.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, các sở, ban, ngành chức năng của thành phố cần cụ thể hóa hơn nữa, đồng bộ hơn, triển khai chi tiết hơn kế hoạch, công việc nhằm giảm nghèo hiệu quả tại xã miền núi Ba Vì. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Các cấp, các ngành và địa phương quyết tâm trong khoảng 3 năm nữa phải đưa xã Ba Vì không còn là xã nghèo của thành phố.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cũng cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát huy tinh thần tự chủ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Muốn vậy, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân học hỏi lẫn nhau về cách làm hay, tấm gương sáng vượt khó làm kinh tế của những người trong thôn, trong xóm. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, cương quyết loại bỏ những hủ tục, lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa Ba Vì thoát khỏi danh sách xã nghèo của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.