(HNM) - Việc liên quan đến công trình trên con đường Văn Cao đang được dư luận quan tâm. Lãnh đạo thành phố đã ra quyết định tạm thời dừng thi công, sau đó mấy ngày đã cho thi công trở lại. Doanh nghiệp thực thi công trình lo lắng vì kế hoạch không hoàn thành kịp tiến độ, nhất là vì công trình có mục tiêu góp phần chào mừng Đại lễ và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến những hiệu quả kinh tế nhất định.
Dư luận xã hội lại được chứng kiến một việc làm được đánh giá là vừa biểu hiện tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến của dân, lại vừa thực hiện nghiêm Luật Di sản thông qua quyết định tạm dừng thi công của lãnh đạo thành phố.
Nhưng điều đáng nói là về phía các nhà chuyên môn lại nảy sinh những ý kiến chưa đồng thuận về giá trị của đối tượng nằm dưới công trình làm đường. Cho dù mọi người đều nhất trí với việc dừng lại, nhưng có người bảo đó chính là đoạn thành có từ thời Lý, lại có người phản biện rằng đó chỉ là "truyền ngôn của người vùng Bưởi", không phải thành của Thái thú Khâu Hòa hay Cao Biền đắp thời "Tiền Thăng Long", lại cũng không thấy dấu tích "thành kép" xây gạch thời Lê theo bản đồ Hồng Đức. Người dân qua truyền hình thấy những hiện vật trong lòng đất bị san ủi, sau đó lại nhận được thông tin rằng ở khu Ba Đình, dưới lòng đất chỗ nào chẳng có hiện vật…
Cả chính quyền, doanh nghiệp và dư luận đều băn khoăn liệu công trình có ngổn ngang dài dài để các nhà khảo cổ xử lý nghiệp vụ hay không? Còn các nhà chuyên môn thì bắt đầu tranh luận về cách xử lý "kẻ ô mặt bằng" hay "khảo sát lát cắt"… Đến lúc này thì người ta mới thấy được cái giá trị của thời gian. Kéo dài thời gian là tốn kém nhiều bề không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả xã hội vì công trình chậm đưa vào khai thác… Nhưng cũng phải nói rằng những cuộc trao đổi, tranh luận, phản biện của các nhà chuyên môn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng gây phân tâm cho người dân, không biết nghe ai là đúng, và rồi các nhà quản lý cũng phải suy nghĩ xem quyết định tiếp theo sẽ thế nào cho phải…
Phân tích chuyện ấy, có người trách các nhà doanh nghiệp cứ nhắm mắt làm bừa chẳng nghĩ đến di sản văn hóa, lại có người trách các nhà chuyên môn cứ quan trọng hóa cái nghề của mình, có bé xé ra to và mỗi người một phách. Và người ta có thể kiểm lại biết bao nhiêu công trình đã phải bị dừng lại, có khi mất đứt vài năm để xử lý khảo cổ học mà công trình xây dựng nhà Quốc hội là tiêu biểu. Nhưng dẫu sao công trình xây dựng ấy còn mang lại giá trị quý hơn nhiều, đó là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nay mai sẽ được công nhận là Di sản Thế giới.
Nhiều người sẽ còn nhớ lại các dự án có liên quan đến con đường Hoàng Hoa Thám mà công trình đường Văn Cao cắt ngang con đường này, đã phải nâng lên đặt xuống biết bao lần về việc có làm hay không làm vì đoạn đường đó có phải là di sản hay không phải là di sản…?
Nhìn lại tổng thể như vậy, ta sẽ thấy ra trách nhiệm tối thượng của các nhà quản lý, trước hết trong lĩnh vực đầu tư vĩ mô. Đó là việc Hà Nội đang thiếu một quy hoạch về di sản dưới lòng đất - quy hoạch khảo cổ học. Nếu thành phố sớm đầu tư cho các nhà chuyên môn tổ chức khảo sát để lập ra một quy hoạch trên bản đồ mang tính pháp lý chỗ nào cần tránh hay chủ động xử lý sẽ giúp cho các nhà quản lý đầu tư và xây dựng đưa ra được giải pháp tốt để vừa bảo tồn vừa phát triển, lại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
…Thực ra thành phố đã từng làm việc này và đã thấy ngay những hiệu quả tích cực nhưng nhiệm kỳ sau lại có thay đổi. Nhắc lại điều này để thấy rằng trong Quy hoạch cho Hà Nội mở rộng với tầm nhìn vài chục năm tới mà Chính phủ đang lập, cũng nên ưu tiên và bắt buộc phải lập quy hoạch di sản nói chung, khảo cổ học (di sản dưới lòng đất) nói riêng. Rộng hơn, Nhà nước và thành phố cần quan tâm đến việc sớm có luật đối với các công trình ngầm (nguyên nhân của nhiều vướng mắc cho các công trình xây dựng cả trên và dưới mặt đất) thì sự song hành giữa các mục tiêu bảo tồn và phát triển như mọi người chúng ta đều mong muốn mới trở thành hiện thực bền vững.
Trong các vấn đề tương tự, giới chuyên môn nên sớm ngồi lại với nhau tìm sự nhất trí đánh giá, để giúp công trình có giải pháp thích hợp. Sự dễ nhất trí là hoàn toàn có cơ sở trên mẫu số chung là ai cũng quý Hà Nội và mong cho Hà Nội mọi sự tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.