Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi động thị trường đổi tiền lẻ online

Hà Linh| 08/01/2021 12:27

(HNMO) - Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “đổi tiền lẻ” trên google hoặc các trang mạng xã hội như facebook, zalo, instagram…, có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm kết quả, với nội dung quảng cáo: Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với giá thấp. Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường online của mặt hàng đặc biệt này càng sôi động.

Một quầy đổi tiền lẻ ở Hà Nội.

Tại website doitienmoi.vn có đăng thông tin: Đổi tiền mới giá rẻ - Cam kết nguyên seri - Các loại tiền 500đ đến 100.000đ mới giao hàng tận nơi, nhận đổi buôn đủ mệnh giá… Hay như ở địa chỉ doitienlegiare.net cũng có đầy đủ thông tin về mệnh giá tiền đổi cùng lời quảng cáo: Để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa, để tránh mất những khoản phí cao, chúng tôi cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ giá rẻ quanh năm, mệnh giá từ 1.000đ đến 500.000đ…, kèm theo đó là thông tin về số điện thoại, số tài khoản để khách hàng giao dịch.

Nhiều trang mạng xã hội khác cũng xuất hiện những dòng quảng cáo tương tự về dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới. Mức phí đổi tiền lẻ phụ thuộc vào từng mệnh giá, mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao và ngược lại.

Chẳng hạn, các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động 12-15%; loại 5.000 đồng mức phí là 10%; mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng mức phí 6-8%; mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng mức phí 3-5%. Đối với tiền đã qua sử dụng nhưng được quảng cáo là mới 80-90%, mức phí sẽ giảm 2-3% so với giá đổi tiền mới. 

Theo các chủ cửa hàng đổi tiền online, càng gần Tết Nguyên đán, mức phí đổi tiền càng cao, những ngày cận Tết, phí có thể tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay. Lý giải cho việc mức phí đổi tiền có thể tăng cao vào thời điểm sát Tết Nguyên đán, các chủ bán hàng đều cho biết, do vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không in tiền mệnh giá nhỏ nên tiền mới ngày càng khan hiếm. 

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện hành vi đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 96/2014/NĐ-CP (ngày 17-10-2014) của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần.

Chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Chiếu theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP, bất cứ hoạt động nào đổi tiền không đúng quy định đều bị xử phạt, nghĩa là không chỉ người nhận đổi tiền, mà cả người đổi tiền đều chịu chung mức phạt trên.

Thế nhưng, để xử phạt những người làm dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ qua các mạng xã hội như zalo, facebook... không hề dễ dàng. Bởi Khoản d, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Theo quy định này, nếu cơ quan pháp luật không phát hiện, bắt quả tang được hành vi vi phạm (người đăng tin nói chỉ đăng tin cho vui) hoặc không có nguồn tin tố giác thì cũng không thể xử phạt.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn siết chặt quản lý tình trạng đổi tiền lẻ, đặc biệt không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Những năm gần đây, việc hạn chế in tiền lẻ mới đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết liệt không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động thị trường đổi tiền lẻ online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.