Trong nhiều năm qua, sàn giao dịch việc làm (SGDVL) vệ tinh ở các huyện đã trở thành điểm đến tin cậy của người lao động. Đặc biệt, người dân địa phương đã tìm được nhiều vị trí việc làm phù hợp, gần nhà nên giảm được chi phí đi lại, nâng cao đời sống kinh tế. Hiệu quả của các SGDVL vệ tinh tuyến huyện đã phát huy được tính đặc thù vốn có của nó.
Triển khai Đề án “Tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động SGDVL thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”, tính đến 31-12-2018, trên địa bàn thành phố đã khai trương và đưa vào hoạt động 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện: Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoài Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín và 5 SGDVL vệ tinh tại các huyện: Đông Anh, Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất; đã hoàn thành trước 2 năm mục tiêu của Đề án, qua đó đã hình thành hệ thống SGDVL thành phố Hà Nội gồm: Sàn trung tâm tại 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy và 144 Trần Phú, quận Hà Đông; 5 SGDVL vệ tinh và 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh.
Để tạo ra một thị trường lao động lành mạnh, phát triển bền vững, năm 2021, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống SGDVL thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo" theo Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 13-7-2021. Qua đề án, hình thành hệ thống SGDVL Hà Nội gồm sàn trung tâm tại 215 Trung Kính và 14 SGDVL vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã. Hoạt động tại các SGDVL vệ tinh trong giai đoạn tới sẽ được đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa và được tổ chức đồng bộ trên hệ thống SGDVL Hà Nội.
Các SGDVL vệ tinh đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Kết quả đạt được tại các SGDVL vệ tinh đã khẳng định đây là cách làm đúng hướng, hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết được tối đa nhu cầu việc làm của các đối tượng lao động tại địa phương: Lao động thanh niên, lao động thất nghiệp, lao động cao tuổi tìm việc làm thêm...
Các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động được tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi. Người lao động được tư vấn, định hướng về nghề nghiệp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm, đào tạo nghề. Việc triển khai thực hiện gắn kết công tác thông tin thị trường lao động với chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các SGDVL vệ tinh là phù hợp và đạt hiệu quả cao, hỗ trợ được tối đa cho người lao động và doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường lao động.
Có thể nói, 14 SGDVL vệ tinh là cánh tay nối dài của SGDVL trung tâm, giúp thống nhất, đồng bộ hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thống nhất về cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí, thời gian và tiền bạc cho cả người lao động và người sử dụng lao động, đóng góp tích cực vào công tác giải quyết việc làm chung của thành phố, trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động, các nhà tuyển dụng và các cơ sở đào tạo.
SGDVL huyện Phú Xuyên đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp và người lao động địa phương, giúp người lao động trong và ngoài địa phương nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với bản thân.
Trong 10 tháng năm 2022, có 204 phiên giao dịch việc làm được thực hiện, giúp gần 2.000 lao động được tư vấn, cung cấp thông tin về các vị trí việc làm, cơ hội tuyển dụng tại các đơn vị, doanh nghiệp tại huyện Phú Xuyên cũng như nhiều địa phương khác.
SGDVL vệ tinh tuyến huyện hoạt động hiệu quả nhất phải kể đến là tại huyện Đông Anh. Hiện, huyện Đông Anh có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và có nhu cầu tuyển dụng lao động sôi động trở lại, nhất là dịp cuối năm. Do vậy, sự kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động đã giúp cho thị trường việc làm trở nên sôi động.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 11.000 người lao động được tư vấn về việc làm, với hơn 12.200 chỉ tiêu tuyển dụng đến từ 789 doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đây là con số biết nói, thể hiện hiệu quả đáng khích lệ của SGDVL vệ tinh huyện Đông Anh.
Đặc biệt, tại phiên giao dịch việc làm ngày 22-10 vừa qua, SGDVL vệ tinh huyện Đông Anh đã kết nối 45 đơn vị, doanh nghiệp với người lao động bằng 2.074 chỉ tiêu với các mức lương hấp dẫn. Trong đó, có 466 vị trí dành cho lao động phổ thông như công nhân may mặc, công nhân hàn, thợ gò hàn, nhân viên bưu tá, nhân viên bếp…; 1.608 vị trí dành cho lao động có trình độ từ trung cấp trở lên ở các ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, điều dưỡng viên, kế toán, kỹ sư, công nghệ thông tin, cơ khí, xây dựng... Tại phiên giao dịch này, Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh, Công ty TNHH Nhôm Việt Ý, Công ty TNHH Bao bì công nghiệp Nam Anh, Công ty Cơ khí Đông Anh Licogi, Bưu điện huyện Đông Anh, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Nội Bài... sẵn sàng trả mức lương bình quân từ 6-15 triệu đồng/tháng cho người lao động; ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp có mức lương từ 12-15 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, các SGDVL vệ tinh các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh, Gia Lâm… cũng tổ chức trên 200 phiên giao dịch việc làm mỗi sàn từ đầu năm đến nay, giúp cho hàng nghìn người lao động nắm bắt được nhu cầu việc làm, đánh giá tổng thể thị trường lao động. Cụ thể, tính đến hết tháng 10-2022, SGDVL vệ tinh huyện Ba Vì đã kết nối được gần 290 doanh nghiệp với hơn 4.500 chỉ tiêu tuyển dụng; người lao động tại huyện Mê Linh có nhiều cơ hội tìm việc làm tại 270 doanh nghiệp với trên 4.400 vị trí việc cần làm ngay…
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các SGDVL vệ tinh huyện cũng thực hiện tốt chức năng thu thập hàng chục nghìn việc làm trống tại các địa phương, cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của hàng chục nghìn người lao động. Ngoài ra, với chức năng tư vấn về việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách pháp luật, các SGDVL vệ tinh huyện đã hỗ trợ hàng trăm nghìn người đạt được mục tiêu về nghề nghiệp và các chế độ, chính sách…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.