Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số vụ việc bức cung, nhục hình có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố

Theo Thu Hằng| 11/09/2014 16:33

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tại phiên giải trình (Ảnh: TH)


Đã khởi tố 19 bị can về tội dùng nhục hình

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Trong những năm gần đây, qua công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật cho thấy, công tác thu thập, đánh giá chứng cứ, xử lý vật chứng và lập hồ sơ vụ án hình sự được cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp trong Công an nhân dân (CAND) cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Bộ Công an cũng đã triển khai các biện pháp chống bức cung nhục hình. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan sai, phạm tội bức cung, dùng nhục hình, tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là hiện tượng dùng bức cung, nhục hình vẫn xảy ra. Những sai phạm nêu trên không những làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của lực lượng CAND mà khi vụ việc xảy ra đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương.

Công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của CQĐT các cấp trong CAND cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một số trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang.

Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra; đẩy nhanh tiến độ thông qua các luật liên quan hoạt động điều tra…

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Sơn: Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên cũng có những trường hợp cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán còn để xảy ra những sai sót, vi phạm trong thực thi công vụ dân đến bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có việc bức cung, dùng nhục hình ép buộc các bị can, bị cáo phải nhận tội. Hiện tượng này tuy không phải là phổ biến nhưng hậu quả là rất nghiêm trọng. Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thời gian qua cho thấy, cũng có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung nhưng không đưa được chứng cứ chứng minh nên thường không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong, nhìn chung, việc thu thập chứng cứ của CQĐT chuyên trách trong 3 năm (1/1/2011 đến 31/12/2013) đều được thực hiện theo đúng quy định Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc thực hiện các yêu cầu về thu thâp, đánh giá chứng cứ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKS, Tòa án nhìn chung đã được thực hiện nghiêm túc. Ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình, kết quả đã góp phần quan trọng ngăn chặn, làm giảm các vụ việc bức cung, dùng nhục hình; đã phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp trong các hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam, lấy lời khai, hỏi cung…

Tuy nhiên, còn xảy ra một số trường hợp vi phạm về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự; xác định vật chứng không chính xác. Trong khi đó, tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn diễn ra khá phổ biến; đánh giá chứng cứ trong một số vụ án chưa toàn diện…Số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hành vi bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra và thực tiễn số vụ việc có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố điều tra.

Áp lực trong điều tra là lớn

Tại phiên giải trình, đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội), và một số ĐB khác cùng cho rằng, số liệu về các vụ bức cung, nhục hình, số người chết tại các nơi tạm giam, tạm giữ là những vấn đề quan trọng và được cử tri quan tâm nhưng chưa được công bố? Báo cáo hàng năm của Bộ Công an có đánh giá về tình trạng bức cung, nhục hình không? Sự hài lòng của dân về vấn đề này?.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề : Áp lực trong công tác điều tra là gì? Liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên hay không?.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp chính để khắc phục đến tình trạng trên? Tại sao không thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát quá trình hỏi cung?.

Tham gia giải trình,Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã khởi tố 10 vụ dùng nhục hình, chưa có tội bức cung dù có liên quan đến nhau vì từ dùng nhục hình buộc phải khai (bức cung), được phát hiện kịp thời vì thường để lại dấu vết, thậm chí chết (2-3 trường hợp trong phòng tạm giữ), chủ yếu ở đơn vị điều tra của cơ quan công an cấp huyện: Đà Nẵng, Tuy Hòa, Sóc Trăng…

Hàng năm, Bộ Công an có thực hiện kiểm tra, thanh tra, đánh giá các hoạt động trong công tác điều tra, trong đó có bức cung, dùng nhục hình.

Giải pháp công nghệ về phía Bộ Công an rất mong muốn nhưng trang bị phương tiện rất tốn mà điều kiện bảo quản khó khăn. Đã có chương trình ứng dụng chỉ một thời gian bảo dưỡng kém làm ảnh hưởng đến đường truyền.

Về trình độ cán bộ, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, lực lượng cảnh sát điều tra được đào tạo cơ bản.

Lý giải về nguyên nhân để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, một phần do đội ngũ cán bộ điều tra, công an có thể không nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tính cá nhân, nặng thành tích, xem đối tượng điều tra là tội phạm. Mặt khác, áp lực công việc nhiều, còn vướng mắc trong biện pháp thu thập chứng cứ như: Việc quy định nguồn chứng cứ chủ yếu bằng văn bản, vật chứng mà chưa thừa nhận các nguồn chứng cứ khác (ghi âm, ghi hình, thẻ nhớ… lưu giữ các dấu vết của tội phạm); việc đánh giá chứng cứ chưa có một quy chuẩn, chủ yếu dựa vào kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chủ quan của người tiến hành tố tụng nên cùng một chứng cứ nhưng ở mỗi giai đoạn tố tụng, mỗi chủ thể có nhận thức, đánh giá khác nhau dẫn đến những quyết định xử lý khác nhau..

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng thông tin thêm: Thời gian qua, Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp bức cung, nhục hình, đối với các đối tượng không đủ yếu tố xử lý hình sự, thì cũng đã kỷ luật, cắt chức hoặc chuyển vị trí công tác…

Theo số liệu thống kê, từ 1/1/2011-31/12/2013, có 192 trường hợp cán bộ CQĐT các cấp trong lực lượng CAND vi phạm pháp luật, trong đó có 107 trường hợp bị khởi tố, điều tra. Về việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân để xảy ra sai phạm, đã có 183 trường hợp cán bộ công an trong cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp bị xử lý theo quy định của ngành.

CQĐT VKSND tối cao đã thụ lý, giải quyết 36 tố giác, tin báo về tội phạm về tội phạm bức cung, dùng nhục hình; trong đó, quyết định khởi tố vụ án đối với 13 tố giác, tin báo. Cục Điều tra VKSND tối cao đã khởi tố 26 vụ/40 bị can về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 19 bị can nguyên là cán bộ, Điều tra viên bị CQĐT VKSND tối cao khởi tố điều tra về tội dùng nhục hình; có 2 bị can bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung; đã thụ lý điều tra 13 vụ/19 bị can về tội “Dùng nhục hình”.

Từ 1/1/2012 đến 31/12/2013, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý 602 vụ với 828 bị cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (trong đó có 10 vụ với 23 bị cáo phạm tội “dùng nhục hình”, không thụ lý vụ án nào về tội bức cung). Trong số các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp mà Tòa án đã thụ lý sơ thẩm thì tội dụng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2011 có 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 5 vụ với 10 bị cáo về Tội dùng nhục hình, phúc thẩm 03 vụ với 03 bị cáo./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số vụ việc bức cung, nhục hình có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.