(HNM) - Không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Điều đó cho thấy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Xuất phát từ đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát cần bám sát nhiệm vụ chính trị, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc để thực hiện nhằm phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, giúp cho cấp ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên nhận thiếu sót mà khắc phục. Tác dụng lớn nhất của công tác kiểm tra, giám sát chính ở chỗ giúp cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý để điều chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, không để "cái sảy nảy cái ung", vừa mất cán bộ, vừa khiến tình hình trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu, bố trí một cách hợp lý, khoa học về nội dung, hình thức, lực lượng tham gia và thời gian tiến hành kiểm tra, giám sát thì khó thu được kết quả như mong muốn, chưa kể còn "làm phiền" cơ sở. Mới đây, lãnh đạo một quận phản ánh, năm 2012 địa phương này "đón" tới 11 đoàn về kiểm tra, giám sát. Bình quân một cuộc thực hiện trong 3 tháng, cuộc dài nhất kéo dài tới hơn một năm mới có kết luận. Như vậy, đứng về phía địa phương "bị" kiểm tra, giám sát, đã phải dành quá nhiều thời gian công sức để tiếp đón, giải trình các vấn đề theo yêu cầu của đoàn, do đó không còn nhiều thời gian chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác… Một số vụ việc kéo dài nên sau kiểm tra, giám sát không tạo ngay chuyển biến mà vô hình trung còn làm giảm vai trò của công tác kiểm tra, giám sát.
Xuất phát từ thực tế đó đòi hỏi các cấp ủy các cấp cần phải đổi mới hơn nữa phương thức, nội dung kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu thời gian, thành phần, đồng thời khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.