(HNM) - Hàng loạt báo cáo của các tổ chức đánh giá, nghiên cứu thị trường ghi nhận, quý I-2023 là thời điểm có nhiều công ty vỡ nợ nhất trên toàn thế giới kể từ cuối năm 2020. Xu hướng nguy hiểm này dẫn tới nhiều lo ngại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo còn ảm đạm kéo dài.
Trong báo cáo ngày 18-4, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết, 33 trong số các công ty mà Moody’s xếp hạng đã vỡ nợ trong quý đầu năm 2023, là mức cao nhất kể từ quý IV-2020, thời điểm các doanh nghiệp vẫn đang bị hạn chế bởi những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khi có tới 47 công ty vỡ nợ.
Trong khi đó, Cơ quan dịch vụ phá sản (IS) thông báo, có tới 22.100 doanh nghiệp Anh phá sản trong năm 2022, tăng hơn 57% so với năm 2021, cao nhất trong một thập kỷ. Theo Giám đốc tái cơ cấu Tập đoàn PwC Catherine Atkinson, số đơn các chủ nợ yêu cầu tòa án đóng cửa doanh nghiệp trong năm 2022 cũng tăng 4 lần so với năm 2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Doanh thu thấp, áp lực chi phí và các điều kiện tài chính thắt chặt cũng bóp nghẹt nguồn vốn, trong khi giới đầu tư tiếp tục xu hướng quay lưng với trái phiếu doanh nghiệp.
Moody’s dự báo, sự kết hợp giữa lãi suất tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm sẽ làm gia tăng tỷ lệ vỡ nợ của hạng mục nợ doanh nghiệp mang tính đầu cơ lên mức 4,6% vào cuối năm 2023, cao hơn mức 2,9% vào tháng 3. Đến cuối quý I-2024, tỷlệ vỡ nợ toàn cầu đối với loại trái phiếu này có thể tăng lên 4,9%, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong dài hạn là 4,1%, là con số tương tự với dự đoán của S&P Global.
Còn Công ty Bảo hiểm tín dụng Allianz Trade cho rằng, tình trạng vỡ nợ sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng trên quy mô toàn cầu thời gian tới đây, châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng. Dự báo này tương đồng với nhiều báo cáo khác, đơn cử như công ty bảo hiểm tín dụng của Pháp cho rằng số doanh nghiệp nước này vỡ nợ sẽ tăng đến 19% trong năm 2023, sau khi đã tăng 10% vào năm 2022. Theo một số chuyên gia nghiên cứu, những tháng tiếp theo sẽ đặc biệt khó khăn đối với doanh nghiệp.
Một áp lực lớn khác là việc các gói hỗ trợ chính phủ giúp duy trì hoạt động trong thời gian đại dịch chấm dứt. Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng đang gặp khó khăn về tài chính, khó lòng gia hạn các biện pháp “tăng lực” tài chính.
Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner trong phát biểu mới đây cho biết, giá nhiên liệu leo thang đã dẫn đến "cú sốc ngắn hạn" đối với các quốc gia đang nỗ lực ổn định khả năng tài chính, trong khi nhiều nước phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong quá trình chống biến đổi khí hậu, do yêu cầu về thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Trước viễn cảnh không sáng sủa, để giảm thiểu rủi ro, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có những giải pháp “thắt lưng buộc bụng” cứng rắn. Meta - Công ty mẹ của Facebook - vừa thông báo sẽ tiếp tục cho nghỉ việc hàng loạt nhân sự khối kinh doanh trong tháng 5, một phần trong nỗ lực tinh giản 10.000 nhân viên được Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thúc đẩy. Tương tự, Amazon đã cắt giảm 9.000 nhân sự trong tháng 3, Boeing dự kiến cắt giảm 2.000 nhân sự trong mảng tài chính và quản trị nhân lực. Trong khi đó, 3M dự kiến sa thải khoảng 2.500 nhân sự sản xuất, với lý do hoạt động toàn cầu khó khăn khiến nhu cầu suy giảm. Còn Zoom sẽ giảm 20% thu nhập cơ bản của đội ngũ quản lý trong năm tài khóa 2023 (bắt đầu từ tháng 4-2023).
Vì thế, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa mọi nguồn lực, có những biện pháp thích ứng, nhằm chủ động vượt qua giai đoạn kinh tế đặc biệt khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.