Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp

Phúc Lợi| 24/01/2022 06:31

(HNM) - 1. Theo Luật Báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi đối với thủ tục xin cấp phép hoạt động của trang tin điện tử tổng hợp. Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp chỉ cần thiết lập được cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, điều kiện làm việc phù hợp, quy trình quản lý thông tin chặt chẽ và có đội ngũ nhân sự đủ năng lực, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chủ động loại bỏ những nội dung thông tin không phù hợp hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì đủ điều kiện để xin xem xét, cấp phép thành lập trang tin điện tử tổng hợp tại đơn vị mình. Việc thực hiện đăng tải thông tin do đơn vị chủ động thực hiện, không được vi phạm các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc phát triển quá nhiều, trong khi hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên đã khiến cho việc quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp có những thời điểm bị hạn chế. Đơn cử, nhiều trang tin đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tự sản xuất tin, bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân; thậm chí tuyên truyền, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... Trong đó, sai phạm gây bức xúc nhất hiện nay là một số trang có xu hướng “báo hóa”, sản xuất tin, bài, “rửa nguồn” qua cơ quan báo, tạp chí. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ tổng hợp những tin “hot”, xào xáo tin bài, đặt lại tít gây bức xúc trong xã hội, sau đó mang tin, bài này đi "đe dọa" cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc yêu cầu ký hợp đồng quảng cáo...

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt 4 trang thông tin điện tử tổng hợp với số tiền 90 triệu đồng, thu hồi một tên miền và đề nghị tạm dừng hoạt động 25 trang thông tin điện tử. Cũng trong thời gian này, đã có 151 trong tổng số gần 700 trang thông tin điện tử do sở cấp phép không hoạt động.

Điều đáng nói, rất nhiều những trang thông tin nói trên xây dựng giao diện, chuyên trang, chuyên mục, cập nhật thông tin không khác gì báo điện tử. Tình trạng “lập lờ” này khiến người dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên coi đó là thông tin chính thống, từ đó chia sẻ, bình luận... khiến thông tin bị nhiễu loạn. Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, tỷ lệ tin, bài có nội dung gây tâm lý hoang mang, lo ngại đối với dư luận về tình hình dịch bệnh còn cao, nhất là thời điểm đầu đợt dịch thứ tư lên tới hơn 10% tổng số tin, bài về Covid-19; trong đó có sự “tiếp tay” của các trang thông tin điện tử tổng hợp.

2. Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã yêu cầu tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử... Điều đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý và cán bộ, đảng viên phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này.

Trước hết, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông và thực hiện nghiêm Nghị định số 119/2020/ NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghiêm cấm việc tổng hợp, trích dẫn lại thông tin từ các cơ quan báo chí nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền, tự ý trích dẫn các tin, bài không xin phép; xuyên tạc, thêm bớt nội dung, hình ảnh trong bài viết.

Các đơn vị có trang thông tin điện tử tổng hợp cần thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, độ bảo mật, an toàn thông tin cao. Đồng thời, thường xuyên đào tạo lực lượng cộng tác viên, biên tập viên đủ phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh chính trị, tận dụng những ưu thế vượt trội của trang tin để kịp thời đăng tải các thông tin trong nội bộ, dẫn nguồn những tác phẩm báo chí hay, có giá trị...

Với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đang có trang thông tin điện tử tổng hợp, cần thực hiện nghiêm Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 19-5-2021 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý thông tin trên hệ thống báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội bảo đảm an ninh thông tin mạng giai đoạn 2021-2022. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực trên môi trường mạng internet; định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm khi vận hành trang thông tin điện tử tổng hợp.

Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực thông tin - truyền thông cần nâng cao nhận thức để không biến những trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình trở thành nơi các thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo về tình hình đất nước.

Nhận thức đúng ưu điểm, hạn chế của trang thông tin điện tử tổng hợp để siết chặt quản lý không chỉ làm cho mặt trận thông tin - truyền thông được củng cố mà cũng tham gia phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.