(HNM) - Vi phạm cũ, thủ đoạn cũ - hoạt động khai thác cát trái phép và tập kết vật liệu ven sông vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua. Nhằm siết chặt công tác quản lý, UBND TP Hà Nội đã giao các cơ quan chức năng rà soát, có
Bãi chứa vật liệu xây dựng tại huyện Thường Tín. Ảnh: Thái Hiền |
Phối hợp chưa chặt chẽ: Nhiều vi phạm
Xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) nằm ven sông Cà Lồ, giáp xã Xuân Nộn và Thụy Lâm (huyện Đông Anh). Thời gian qua, tại đây tiếp tục xuất hiện một số tàu khai thác cát trái phép và tập kết vật liệu ở bãi chứa ven sông thuộc địa bàn Thụy Lâm, Xuân Nộn. Còn tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn), ngày 11-7 vừa qua xảy ra vụ việc “cát tặc” hành hung người dân sau khi người dân yêu cầu đối tượng không hút cát lòng sông ở địa phương. Khai thác cát trái phép cũng diễn ra khá phức tạp tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa phận một số xã Phương Độ, Vân Nam, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ)... Các đối tượng lợi dụng đêm tối, hoạt động không theo quy luật, sử dụng tàu khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Những vi phạm tại xã Xuân Thu diễn ra từ năm 2017 nhưng đến nay, cơ quan chức năng chưa xử lý được trường hợp nào. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nhìn nhận, việc phát hiện, xử lý khai thác cát trái phép gặp khó khăn, bởi đối tượng thường hoạt động tại khu vực giữa dòng sông, lợi dụng những vị trí giáp ranh trên sông giữa TP Hà Nội với tỉnh bạn hoặc giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để dễ dàng di chuyển hoặc trốn chạy. Để xảy ra tình trạng này là do sự phối hợp giữa các bên liên quan, nhất là chính quyền quận, huyện, thị xã và tỉnh giáp ranh chưa chặt chẽ…
Cùng với hoạt động khai thác cát trái phép, bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm dù đã được các cấp, các ngành TP Hà Nội quyết liệt xử lý, song nhiều điểm vẫn hoạt động. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết, nhiều bến bãi đã hình thành và hoạt động từ nhiều năm nay trên đất thổ cư. Do vậy, để giải tỏa, cưỡng chế vi phạm phải có lộ trình. Để vi phạm kéo dài, có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương khi chưa mạnh tay xử lý…
Siết chặt công tác quản lý
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có 12 đơn vị được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác cát. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết: Tình trạng bơm hút, khai thác cát không phép, trái phép trên sông diễn ra chủ yếu tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, Ba Vì... Cùng với đó, các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông đang gây mất an toàn cho nhiều tuyến đê. Hiện các tuyến sông có 203 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng và chỉ 101 điểm nằm trong quy hoạch. Ngoài ra, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa đang tồn tại 30 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên mặt đê, mái đê. Nhiều bãi tập kết làm cản trở dòng chảy trong mùa lũ, ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đê, kè, bờ sông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở…
Một bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép tại địa bàn huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền |
Trước những tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác khoáng sản và tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn 6787/VP-ĐT, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, báo cáo việc quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng. Theo đó, các địa phương kiểm tra, rà soát, xác định các vị trí phù hợp làm bãi chứa, bảo đảm các tiêu chí về vị trí, diện tích, điều kiện hoạt động, sử dụng đất; đồng thời, giải tỏa toàn bộ bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng không bảo đảm các điều kiện, tiêu chí xong trước ngày 30-10-2018. UBND thành phố cũng giao Công an thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông…
Từ chỉ đạo của thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm… Còn về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tháng 5 vừa qua, Sở TN&MT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, từ đó tham mưu, đề xuất thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý trong vấn đề này...
Có thể thấy đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi các cơ quan chức năng từng bước có biện pháp xử lý dứt điểm. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.