(HNM) - Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ.
Tính đến cuối tháng 5-2011 (tức là sau hơn 2 tháng thực hiện), các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cắt giảm hơn 45.000 tỷ đồng đầu tư. Trong đó, các DNNN cắt giảm nhiều nhất, với hơn 39.212 tỷ đồng, chiếm hơn 87%.
Siết chặt quản lý đầu tư công là nhằm nâng cao hiệu quả các dự án phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Ngọc Thắng
Đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và củng cố nền kinh tế trong mối quan hệ khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đầu tư công càng nổi bật vai trò duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Nhưng, đầu tư công ở nước ta lại có mối liên hệ trực tiếp với diễn biến của lạm phát và định hướng cũng như tốc độ phát triển kinh tế. Do đó, việc cắt giảm đầu tư công là tất yếu như một liệu pháp thu hẹp tổng cầu, giảm sức ép lạm phát tiền tệ trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, cắt giảm đầu tư công còn là điều kiện để dồn vốn đầu tư xã hội theo những kênh đầu tư và dự án đầu tư có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát ở nước ta không hẳn do đầu tư công quá nhiều, mà do sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả. Vì thế, chủ trương cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát của Chính phủ phải được hiểu là cắt đi những thứ dễ gây lãng phí, thất thoát và không hiệu quả, để dòng vốn ngân sách "chảy" vào đúng chỗ cần thiết, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Ngược lại, nếu hiểu về chủ trương cắt giảm đầu tư công thực hiện một cách máy móc, đối phó là cắt bỏ vài nghìn dự án để bớt đi vài chục nghìn tỷ đồng, có lẽ lạm phát sẽ vẫn còn đất sống và trở thành nỗi "kinh hoàng" của cả nền kinh tế. Bởi, những việc làm mang tính đối phó sẽ không giải quyết triệt để được tệ thất thoát, lãng phí và không hiệu quả khi sử dụng vốn ngân sách.
Nguồn gốc gây ra lạm phát cao không chỉ ở 3.081 dự án, với số tiền đầu tư 45.000 tỷ đã cắt giảm nói trên, mà nó tiềm ẩn trong tất cả các dự án, nhất là các công trình sử dụng vốn nhà nước và phần lớn do các DNNN làm chủ đầu tư. Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở việc cắt giảm một số dự án, để giảm kinh phí đầu tư thì không đủ, mà quan trọng và trên hết là phải siết chặt quản lý đối với tất cả dự án đầu tư bằng vốn ngân sách. Trong đó, cần cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và kém hiệu quả, ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở một số dự án, đất sống của một số cán bộ biến chất, thể hiện rõ nhất sự yếu kém trong quản lý kinh tế... đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của các ngành chức năng. Theo các chuyên gia, cắt giảm đầu tư công năm 2011, không chỉ là cắt giảm để chống lạm phát thuần túy, mà đây cũng là dịp để rà soát tính hợp lý, nâng cao hiệu quả của đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế… Làm tốt vấn đề này, nó như chiếc "chìa khóa vạn năng" nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi mà chúng ta đang phải đương đầu, để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 5-2011, các bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư bằng nguồn ngân sách của 2.048 dự án, với tổng kinh phí 5.556 tỷ đồng và 126 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tổng trị giá 2.777 tỷ đồng. Nếu tính bình quân, chi phí đầu tư của một dự án sử dụng vốn ngân sách được đưa vào danh sách cắt giảm chỉ 2,7 tỷ đồng. Như vậy, việc cắt giảm đầu tư công trong những tháng qua chủ yếu tập trung vào những dự án nhỏ và rất nhỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, vấn đề lớn nhất không phải là cắt giảm đầu tư công theo định lượng. Những dự án nào đầu tư quá dàn trải, chưa đủ điều kiện về thủ tục cần phải xem xét. Những yêu cầu nào hợp lý của địa phương vẫn phải đáp ứng. Chẳng hạn, mới đây những vùng bị thiên tai lũ lụt, Chính phủ đã hỗ trợ về nguồn vốn dự phòng. Mục tiêu là không loại bỏ các dự án đó, mà phải đôn đốc để triển khai tốt hơn các dự án đó, sớm mang lại cuộc sống ổn định cho nhân dân, sự phát triển bền vững cho các địa phương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.