Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ luật, củng cố niềm tin

Hương Ly| 26/04/2018 07:13

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ,

Kỳ họp 24 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận, nêu rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật. Ảnh: TTXVN


Nghiêm khắc với vi phạm

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, vừa công bố, về Dự án khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai, do Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư đã chỉ rõ những sai phạm liên quan bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Theo kết luận, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký nhiều văn bản mang lại lợi ích cụ thể cho chính công ty do chồng bà làm giám đốc.

Tại kỳ họp 24 vừa diễn ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kết luận, nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Thực tế thời gian vừa qua, có không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo đã lạm dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để tư lợi. Trường hợp nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là một ví dụ. Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; mua cổ phần vượt mức quy định; nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Nhờ đó, bà và nhiều người thân trong gia đình sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Đặc biệt, những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” người thân, người nhà của cán bộ lãnh đạo liên tiếp được các cơ quan báo chí phản ánh thời gian gần đây cũng cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, có trường hợp bổ nhiệm con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; bổ nhiệm, quy hoạch vợ và con trai của Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới...

Phân tích về thực trạng vi phạm kỷ luật Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Với quyết tâm xử lý nghiêm vi phạm, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, thời gian qua, Đảng đã ban hành các quy định, hướng dẫn về xử lý kỷ luật đảng viên chặt chẽ, cụ thể hơn, quá trình triển khai bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ nét, được nhân dân ủng hộ.

Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của Đảng là một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết. Nhân kỷ niệm lần thứ 39 Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình một số đảng viên đạo đức, phẩm chất kém: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, “Mỗi người đều có tính cách, sở trường, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Đồng thời, Người cũng khẳng định, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ không kém cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong nêu ý kiến, để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phải có một bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật về năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức vụ, nếu không sẽ rất khó đưa ra những phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm.

Trước những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, bên cạnh việc chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái, cần đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm".

"Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là con đường ngắn nhất để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, góp phần vun đắp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ luật, củng cố niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.