Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ luật chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để giảm nợ công

Vương Tuấn Anh| 07/06/2015 05:31

(HNM) - Trong những năm gần đây, nợ công tăng nhanh là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu lo lắng tình trạng nợ công đang ở mức báo động. Nếu cứ đến hạn trả nợ gốc lại phải đi vay mới thì sẽ rất khó khăn.



Vì vậy, vấn đề nợ công đã được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công trong thời gian tới nhằm tạo thu nhập tăng thêm và giảm áp lực nợ công. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.


Nợ công tăng nhanh

- Nhiều ý kiến cho rằng, nợ công của nước ta đang tăng nhanh, ngấp nghé mức nguy hiểm. Ông có thể cho biết về thực trạng nợ công của Việt Nam hiện nay?

- Từ năm 2010 đến 2014, nợ công của ta tăng bình quân hơn 20%/năm. Đây là tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử. Nhưng nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 7,5-8%, thì giai đoạn 2011-2015 có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, dự kiến khoảng 5,8-6%. Dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi GDP tăng không tương xứng. Thực tế, việc trả nợ chỉ chiếm 14% trong tổng số 25% GDP khoản chi để trả nợ, còn lại là đảo nợ. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu phát hành trái phiếu chính phủ để đảo nợ. Trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của Chính phủ, tới năm 2020, tỷ lệ nợ công là 65%, trong khi đó nợ công của ta năm 2014 ước tính là 59,6% GDP. Nợ công của Việt Nam tăng nhanh cũng một phần do kỷ luật ngân sách không nghiêm, chỉ số hiệu quả vốn đầu tư (ICOR) của ta cao, trung bình là 6,5; trong khi ở các nước phát triển chỉ số này vào khoảng 2,8-4.

- Ông đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam hiện đang ở ngưỡng nào so với khả năng trả nợ?

- Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực để đánh giá nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nguy hiểm hay an toàn. Tất cả chỉ có tính chất giả định. Chẳng hạn, nợ công của Mỹ bằng 100% GDP nhưng không thấy nói nợ công của nước này không an toàn. Ở Nhật Bản, nợ công của họ gần 200% GDP nhưng không ai nói Nhật Bản bị nguy hiểm. Việt Nam có lúc nói nợ công 60% hoặc 65% là ở mức nguy hiểm thì đến năm 2015, 2020 sẽ nguy hiểm như thế nào (?). Theo tôi, việc đánh giá này tùy từng góc nhìn thực lực về nền kinh tế, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải thấy được khả năng trả nợ của từng quốc gia. Hiện tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với các nước khác chưa phải cao, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Quốc hội. Đến nay, chúng ta chưa thất hứa trả nợ với bất kỳ tổ chức nào và được quốc tế đánh giá là nợ công ổn định. Tuy nhiên, có hai điểm đáng quan tâm: Thứ nhất, tốc độ tăng nợ công của Việt Nam cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; hai là, tỷ lệ trả nợ ngày càng cao.

- Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo, Việt Nam không nên tiếp tục vay nợ nước ngoài. Vậy việc chi tiêu nói trên cần được xem xét thế nào?

- Với nguyên tắc vay để đầu tư, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho đầu tư (1,5%) và một phần chi cho sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Bằng nguồn vốn này, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã được hoàn thành, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những ý kiến của các tổ chức quốc tế đưa ra cảnh báo cũng là kênh thông tin rất quan trọng để các cơ quan chức năng Việt Nam phải ngồi rà soát lại để xử lý. Nếu giữa nợ công của chúng ta như báo cáo năm 2013 là 54,5% GDP thì xem tổng nợ của nước ngoài là bao nhiêu, trong nước là bao nhiêu và cân đối khả năng xuất khẩu, dự trữ trả nợ…

Quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay

- Mặc dù nợ công ở mức cao, nhưng Bộ Tài chính vẫn khẳng định phải vay thêm. Như vậy, Việt Nam sẽ phải tính toán chi tiêu ra sao để sử dụng vốn vay có hiệu quả nhất?

- Vấn đề này được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra và Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa XI đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng 3 trọng tâm tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là hai nhiệm vụ nhằm sử dụng vốn vay nợ công hiệu quả nhất. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như chúng ta thì việc đi vay là tất yếu. Quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào; rồi trả nợ ra sao. Với những việc cần tiêu thì vẫn phải tiêu, còn hạch toán nó vào đâu thì các cơ quan có trách nhiệm phải "ngồi lại" với nhau. Trong báo cáo của Bộ Tài chính vừa qua, bội chi tăng cao là do ngành giao thông đã đẩy nhanh tiến độ sử dụng vốn ODA… Do đó, để chi tiêu có hiệu quả, chúng ta cần cân đối giữa kế hoạch sản xuất kinh doanh với kế hoạch sử dụng vốn cho phù hợp.

- Nhằm tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, gần đây nhiều dự án vay vốn lớn của Chính phủ đã được đưa ra Quốc hội bàn thảo, trong đó có dự án xây dựng sân bay Long Thành. Ông đánh giá thế nào về chủ trương đầu tư sân bay này sau rất nhiều ý kiến đánh giá khoa học, khảo sát thực tế?

- Tôi cho rằng, việc xây dựng các bước theo luật để xây dựng cụm cảng hàng không Long Thành là cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội. Trong 15-20 năm nữa, khả năng đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng không của đất nước đối với sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hạn chế. Đó là vấn đề liên quan đến dân sinh và kỹ thuật; tốc độ phát triển của cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất như địa chất, đền bù, không lưu… nên việc chọn khu vực Long Thành là hợp lý, cả về yêu cầu kinh tế xã hội và yêu cầu kỹ thuật.

- Nhưng điều dư luận lo ngại nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Ông đánh giá thế nào về khả năng thu xếp nguồn vốn và liệu việc đi vay có ảnh hưởng tới ngưỡng an toàn của nợ công hay không?

- Hiện chưa có báo cáo khả thi của dự án xây dựng sân bay Long Thành nên chưa có căn cứ để bàn về khả năng thu xếp vốn. Đây mới chỉ là dự kiến phân bổ. Quốc hội lần này thông qua báo cáo tiền khả thi, nên đơn giá, mức tính toán vẫn đang dựa trên khái toán. Như các cơ quan chuyên môn cho biết, phải sau 2 năm nữa mới có báo cáo khả thi và trong đó sẽ trả lời hết các vấn đề mà dư luận quan tâm về hiệu quả đầu tư, huy động vốn; tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách nhà nước, vốn tư nhân, vốn nước ngoài… Nếu việc sử dụng vốn vay làm tăng nợ công nhưng có hiệu quả, tăng nguồn thu, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế trong khu vực, kèm theo tốc độ tăng trưởng GDP cao thì việc trả nợ vẫn được bảo đảm. Hiện nay, 70% số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của chúng ta là đi vay, 30% là ngân sách nhà nước. Vấn đề Quốc hội cần trao đổi là những điều kiện đằng sau để bảo đảm cho khoản tiền vay lớn có hiệu quả. Khi đầu tư dự án phải minh bạch, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh.

Giải bài toán nợ công

- Đối với Việt Nam, gánh nặng nợ công khó có thể giải quyết trong ngắn hạn do nguồn lực còn phụ thuộc vào kinh tế nhà nước. Bởi vậy, các chuyên gia đều cho rằng, vấn đề then chốt là phải cải cách mạnh trong đầu tư công và DNNN, trong đó cổ phần hóa DNNN được Chính phủ nhắm đến như một giải pháp giảm nợ công. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Nợ công của quốc gia bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương; là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đã gọi là nợ của Chính phủ thì không thể trả nợ trong ngắn hạn mà phải có kế hoạch trả dài hạn gắn với sự phát triển kinh tế. Việc cổ phần hóa DNNN cũng sẽ giảm được nhiều nợ công thông qua nợ của DNNN mà Chính phủ bảo lãnh. Cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN là một trong những biện pháp để tái cơ cấu lại nền kinh tế. Khi tái cơ cấu nền kinh tế sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và khả năng trả nợ công cũng tốt lên rất nhiều. Vấn đề đáng lưu tâm là phải kiểm soát chặt việc bảo lãnh cho các DNNN vay nhằm bảo đảm tính hiệu quả của đồng vốn.

- Ông có nhận xét gì về kế hoạch xử lý nợ công của Chính phủ hiện nay để có thể phát triển bền vững nền kinh tế?

- Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội đã thảo luận. Trên cơ sở báo cáo về nợ công của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng của Chính phủ thống nhất sẽ có một lộ trình thực hiện đúng chiến lược nợ công đã được thông qua; trong đó bảo đảm công khai, minh bạch nguồn sử dụng nợ công để tăng cường sự giám sát của xã hội, cơ quan quản lý đối với việc xử lý nợ công. Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khi sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tôi cho rằng, nợ công sẽ tiếp tục tăng, vấn đề là phải trả nợ công như thế nào. Nếu chúng ta siết chặt kỷ luật chi tiêu, thực hiện tốt những việc nêu trên thì sẽ giảm được nợ công.

- Một giải pháp quan trọng được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra để giảm sức ép nợ công là huy động vốn đầu tư ngoài nhà nước thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP). Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Với ý nghĩa để tạo hành lang pháp lý để thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước cho các dự án phát triển, PPP được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực tăng nợ công của Việt Nam. PPP đặt ra những yêu cầu về cơ chế chính sách, cụ thể là phải đẩy mạnh cải cách về thể chế, đổi mới đồng bộ từ nhận thức đến hệ thống văn bản… Khi triển khai PPP, có thể giảm áp lực nợ công rất lớn, nhưng hơn hết là tác động thay đổi mạnh hệ thống. Các hình thức hợp đồng PPP được thực hiện đúng thì rất có lợi, nhưng nếu không đúng thì thất thoát tài sản nhà nước cũng không nhỏ...

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay cần phải có cơ chế chính sách như thế nào để kiềm chế mức độ gia tăng các khoản nợ công?

- Muốn giảm nợ công, trước hết phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nợ công để tạo ra giá trị tăng thêm cao nhất; đồng thời phải có cơ chế, chính sách gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể với việc vay nợ. Hai là phải siết chặt kỷ luật ngân sách, kỷ luật chi và lường trước được khả năng trả nợ. Việc đầu tiên cần làm là phải minh bạch nợ công, công khai trong cách tính nợ, rạch ròi trong ngân sách… Thêm vào đó, cần đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới phương thức điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Nghĩa là, Chính phủ chỉ cần tác động vào nền kinh tế bằng định hướng của người quản lý, điều tiết bằng thuế, bằng các chính sách kinh tế vĩ mô… Những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác làm được thì tuyệt đối Nhà nước không đầu tư. Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay hiện nay bằng các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác; khống chế bội chi ngân sách, chi tiêu hiệu quả nhất nhằm bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta cần có một cuộc "đại phẫu" về ngân sách nhà nước, chủ động từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước lành mạnh để có thể cắt giảm chi tiêu thường xuyên, tinh giản bộ máy quản lý… Việc cải cách bộ máy nhà nước theo hướng này sẽ giúp chúng ta bớt đi nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành và các sở, ban, ngành, địa phương cũng không phải "lao vào" sản xuất thời vụ.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ luật chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để giảm nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.