(HNMO) - Sáng 30-5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tọa đàm phát triển du lịch bền vững tại Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia du lịch.
Đề nghị giữ nguyên trạng
Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sơn Trà là lá phổi xanh của Đà Nẵng. Mỗi ngày, Sơn Trà cung cấp oxy tái tạo cho 4,2 triệu người dân sinh sống quanh khu vực này. Sơn Trà là rada nhìn ra biển Đông đồng thời là báu vật thiêng liêng của Đà Nẵng và cả nước.
Ngày 15-12-2016, khi bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà ra đời, dư luận nơi đây đã dậy sóng. Trên 1,1 vạn người đã ký tên để bảo vệ Sơn Trà. Ngày 28-4-2017, Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà với sự tham gia của nhiều chuyên gia khoa học.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. |
Từ đây, ông Huỳnh Tấn Vinh kiến nghị Chính phủ xem xét lại "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà" gồm 4 vấn đề.
Thứ nhất, giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Bởi Đà Nẵng hiện có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (năm 2016 chỉ mới đón 5,5 triệu lượt khách).
Thứ hai, chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
Thứ ba, hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
Thứ tư, hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8-1-2014) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cũng lấy ví dụ về mô hình Khu bảo tồn khỉ Tarshier rộng 134ha ở Bohol rất thành công tại Philippines. Khu bảo tồn này được thành lập bởi một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu bảo vệ loài khi Tarsier và tái phủ xanh rừng thứ sinh. Khu bảo tồn đã dành riêng 8,4ha cho Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Tarsier nơi khỉ Tarsier được chăm sóc và nuôi dưỡng.
Du khách có thể xem cận cảnh các chú khỉ, tìm hiểu thông tin tại trung tâm hoặc đi dọc đường mòn dài 15km trong Khu bảo tồn với các điểm thuận lợi để quan sát Tarsier trong môi trường sống tự nhiên. Nơi đây đã thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm.
"Trong cuộc làm việc gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra phương án Đà Nẵng chọn 600 phòng hay 300 phòng? Câu trả lời của chúng tôi là chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng mà chọn bảo tồn Đà Nẵng cho Việt Nam và con em chúng ta sau này. Chúng tôi sẽ đấu tranh để bảo vệ Sơn Trà đến cùng", ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định.
Cần căn cứ theo nguyên lý phát triển bền vững
Đại diện cho giới khoa học, Tiến sỹ Võ Thanh Sơn, Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà cần căn cứ theo các nguyên lý về phát triển bền vững, sao cho đạt được tổng lợi ích xã hội lớn nhất, cho tất cả các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, người dân địa phương cũng như chính quyền địa phương.
"Phải bảo đảm được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Như khái niệm phát triển bền vững theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) là phải đáp ứng được 5 chữ “P”: sự phát triển vì Người dân (People), trong phạm vi giới hạn tài nguyên thiên nhiên của Trái đất (Planet), nhằm đạt được sự Thịnh vượng (Prosperity), trong một môi trường Hòa bình (Peace), thông qua sự Hợp tác/Đối tác (Partnership)", ông Võ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo TS Võ Thanh Sơn, phát triển du lịch phải dựa vào tài nguyên du lịch, mà một trong những tài nguyên quan trọng nhất là thiên nhiên, môi trường, và ở đây là hệ sinh thái rừng cùng với các loài động thực vật của bán đảo Sơn Trà, trong đó đáng chú ý nhất là loài voọc Chà Vá chân nâu.
|
Về quy mô phát triển du lịch, TS Võ Thanh Sơn cho rằng, việc phát triển du lịch với quy mô số phòng trên bán đảo Sơn Trà cần phải dựa trên “năng lực tải” của thiên nhiên, trong đó có năng lực tải của hệ sinh thái rừng, và của quần thể loài voọc Chà Vá chân nâu là loài bản địa và quý hiếm cần được bảo tồn.
"Chúng ta đã có những nghiên cứu để làm cơ sở cho quy hoạch du lịch với quy mô phòng trên bán đảo Sơn Trà chưa? Cơ sở nào ta quy hoạch số phòng, ví dụ, 1.600 phòng là lớn hay nhỏ, là quá tải hay là vẫn còn có thể tăng thêm. Nếu ta có những cơ sở khoa học có sức thuyết phục thì ta dễ dàng quyết định quy mô phát triển du lịch tại đây", TS Võ Thanh Sơn khẳng định.
|
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, phát triển du lịch phải hài hòa với bảo tồn, không được nghiêng quá về bên này hay bên khác. Quy hoạch cũng không phải là bất di bất dịch, nếu phát hiện cần điều chỉnh thì nên điều chỉnh ngay.
"Vấn đề bây giờ là phải rà soát lại, thành lập hội đồng tư vấn với những chuyên gia độc lập, xác định những vấn đề đặt ra với vấn đề bảo tồn, rồi xác định quy mô có cần điều chỉnh không, điều chỉnh như thế nào để đưa ra kiến nghị và trả lời thỏa đáng các vấn đề đang đặt ra", TS Phạm Trung Lương nói.
Nên hài hòa giữa phát triển và bảo vệ
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, gốc của vấn đề chính là các dự án đầu tư. Vấn đề quy hoạch không cần bàn quá nhiều bởi chỉ thực hiện những điều quy hoạch đưa ra đã quá tốt. Quy hoạch là để chấn chỉnh, xem xét lại các vấn đề dự án đang được thực hiện tại đây.
"Việc giảm quy mô các dự án, đưa từ hơn 5.000 phòng xuống còn 1.600 phòng là rất mạnh dạn. Vấn đề là thực hiện quy hoạch thế nào. Chúng ta phải có những quy định chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề môi trường khi triển khai dự án. Phải chọn vị trí nào mà dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường để xây dựng. Cần rà soát lại các dự án đã xem xét, điều chuyển các dự án không bảo đảm", ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.
|
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Thế Bình cho rằng, ai cũng muốn bảo tồn nhưng vì cuộc sống nên phải hài hòa giữa phát triển và bảo vệ.
"Khu du lịch quốc gia không thể không có cơ sở lưu trú hay dịch vụ đi kèm để phục vụ du khách. Vấn đề là cần phải giám sát khi xây dựng dự án để không ảnh hưởng tới môi trường. Riêng với Sơn Trà, kèm theo các dự án phải là các quy định về môi trường và phải kiểm soát chặt chẽ hơn nơi khác. Biển Tiên Sa vừa rồi là một bài học. Phải rà soát từ khâu xây dựng dự án, triển khai dự án, ví dụ, có giảm xuống đúng còn 1.600 phòng không và xây như thế nào... Theo tôi, chúng ta vừa có thể phát triển vừa có thể bảo tồn", ông Vũ Thế Bình nói.
Sẽ giải quyết vấn đề trên tinh thần cầu thị, khách quan
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, Bộ VH, TT&DL đã nhận được 15 ý kiến thiết thực, bổ ích cho các nhà quản lý, quy hoạch, phản biện quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trước đó, chiều 28-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã triệu tập cuộc họp, giao nhiệm vụ cho Bộ VH, TT&DL tổ chức các cuộc tọa đàm nhằm mổ xẻ các vấn đề xung quanh quy hoạch này. Trong thời hạn 3 tháng, Bộ phải tổng hợp lại, báo cáo Thủ tướng. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Đà Nẵng rà soát lại các dự án, nêu ra phương án cụ thể cho các dự án.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các số liệu, định nghĩa khái niệm không đồng nhất nhau giữa các Bộ về rừng phòng bộ, rừng nguyên sinh, khu bảo tồn…
|
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết thêm, một cuộc tọa đàm tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng để các nhà khoa học tại Đà Nẵng có thể tham dự… "Nếu cuộc tọa đàm đó chưa mổ xẻ hết vấn đề thì sẽ tổ chức nhiều cuộc nữa để làm sao có thể xử lý rốt ráo những vấn đề khoa học thực tiễn của quy hoạch này. Và tất nhiên, các cuộc tọa đàm sẽ được thực hiện trên tinh thần cầu thị, khoa học và minh bạch", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.