(HNMO) – Chiều 5/1, làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đang xây dựng nghị định xử phạt vi phạm về ATVS với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự buổi làm việc.
Hà Nội đã triển khai sớm các kế hoạch đảm bảo VSATTP phục vụ Tết
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để đảm bảo VSATTP phục vụ Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ và các lễ hội, TP Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai từ rất sớm. Theo đó, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường thanh kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP. Hiện đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành và triển khai các biện pháp chống vận chuyển và buôn bán gà nhập lậu, tăng cường quản lý bình ổn thị trường... Bên cạnh đó TP còn triển khai tháng cao điểm về ATTP với chủ đề “Bữa ăn an toàn”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hà Nội đặt mục tiêu không có vụ ngộ độc xảy ra trong dịp Tết.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng công bố kết quả kiểm tra thực tế của hai Bộ trưởng Y tế và NN&PTNT sáng 5/1/2013 (kiểm tra 3 cơ sở: Công ty CP chăn nuôi CP, 5 sạp hàng ở chợ Đồng Xuân, cửa hàng giò chả Quốc Hưng), nhìn chung đều đảm bảo ATVSTP; trong 6 mẫu thịt, thủy sản kiểm tra đều đạt yêu cầu.
Thực tế từ hơn 1 tháng nay, công tác kiểm tra kiểm soát được tăng cường. TP đang thí điểm chợ đảm bảo VSATTP; triển khai đề án nâng cao năng lực kiểm soát lưu thông VSATTP của cơ quan Quản lý thị trường; triển khai quản lý việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm. Hiện chợ Hà Vỹ - chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc thuộc địa bàn Hà Nội đã không có gà nhập lậu.
Cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn” vẫn còn cam go
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết khó khăn trong công tác đảm bảo VSATTP hiện nay là nguồn thực phẩm sạch chưa đáp ứng yêu cầu của TP. Việc chăn nuôi, giết mổ còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Tình hình buôn bán hàng nhập lậu còn diễn biến phức tạp; lực lượng phòng chống mỏng. Người tiêu dùng còn dễ dãi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Trên địa bàn còn nhiều chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo VSATTP. Mặt khác, hiện có một thực tế, một số tư thương ở các tỉnh lân cận dùng ô tô chở tập kết, rồi xe lẻ cho các xe ôm chở gà vào Hà Nội (lách luật quy định chở dưới 50 con gà không bị kiểm tra) nên khó phân biệt được gà thải từ các trang trại hay gà nhập lậu.
Trong 20 ngày triển khai Tháng cao điểm đảm bảo ATVSTP, lực lượng chức năng đã bắt giữ 81 vụ vận chuyển gà nhập lậu và vận chuyển sản phẩm không rõ nguồn gốc; thu giữ hơn 10 ngàn lít rượu; hơn 10 nghìn sản phẩm nước giải khát không đảm bảo như dùng nước giếng, sử dụng đường , nguyên phụ liệu không đảm bảo. Ngay tại hội chợ khuyến mại mới diễn ra ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng thu giữ 700 sản phẩm giả.
Cần sự vào cuộc mạnh từ Trung ương tới địa phương
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chia sẻ, vấn đề đảm bảo VSATTP trên địa bàn Thủ đô với số dân lớn là vấn đề phức tạp; cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành. Hiện Bộ NN&PTNT đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Nhân dân đang bức xúc dư lượng chất bảo vệ thực phẩm trong rau quả vẫn còn. Chất kháng sinh, chất cấm trong thủy hải sản và các sản phẩm sơ chế cần ít hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị TP chỉ đạo các ban ngành kiểm soát chương trình ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai trên toàn quốc. Hiện Bộ NN&PTNT đang sửa Thông tư 47 dưới 50 con gà không bị kiểm tra, xử phạt… sẽ hoàn tất trong tháng này. Bộ nhất trí với kiến nghị của TP về công nhận các đơn vị chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế là cơ quan thường trực lo khâu “bàn ăn” cho an toàn. Còn các khâu khác như từ trang trại, lưu thông… rất quan trọng. Lo đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết nguyên đán, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành. Thực tế, những sản phẩm như rượu có ethenol gây ngộ độc, tử vong; giò chả, bún nhiễm rất nhiều vi sinh; hải sản nhiễm kháng sinh; lòng lợn thối đưa vào nhà hàng… còn nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện đã có danh mục các phụ gia và sắp có thông tư về quản lý phụ gia, kiểm soát thức ăn đường phố. Thực hiện thông tư này các cửa hàng vỉa hè sẽ bớt nhếch nhác, mất vệ sinh. Bộ cũng đang xây dựng nghị định xử phạt về ATVS với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Ghi nhận các ý kiến của đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ: TP Hà Nội là thị trường lớn, cung cầu thực phẩm lớn và đa dạng. Trong những năm vừa qua, TP đã cố gắng nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm, ví dụ mới chỉ đạt 80% lượng thịt lợn; một lượng khác phải nhập là khoảng trống phải kiểm soát. Hiện Hà Nội có 7,1 triệu dân, chưa kể 2 triệu người lưu chuyển, qua lại nên đảm bảo an toàn cho lượng dân cư lớn là rất khó.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động nghiệp vụ liên quan. Nhưng Hà Nội cũng đề nghị các bộ có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nguồn cung đảm bảo ATVSTP; hạn chế nhập khẩu không cần thiết; cần quy định cụ thể việc dán mác, kiểm định….; tăng cường công tác quản lý với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nhân dân nhận biết thực phẩm sạch.
Hà Nội kiến nghị sửa đổi nghị định của Chính phủ theo hướng tăng cường xử phạt hành chính với việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; chứng nhận hợp quy cho các đơn vị sản xuất tốt; tăng cường kiểm tra hàng nông lâm thủy sản; hàng gia cầm lưu thông trên các địa bàn tỉnh, TP...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.