(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ thiết kế, sáng tạo giải pháp, sản phẩm, trong đó có ưu đãi về thuế. Điều này sẽ được thể hiện trong các văn bản quy định nhằm đáp ứng tình hình thực tế và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược “Make in Vietnam” (do kỹ sư Việt Nam thiết kế).
Đó là thông tin được ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới đầu năm mới 2020.
- Thưa ông, có nhiều cách hiểu về "Make in Vietnam". Vậy, nên hiểu thế nào cho đúng?
- Việt Nam có những doanh nghiệp thiết kế và đã có sản phẩm hoàn chỉnh như Viettel, VNPT... Tuy nhiên, về thiết bị thì khi có nhu cầu sản xuất hàng loạt, Việt Nam lại chưa có doanh nghiệp đủ năng lực đáp ứng. Câu chuyện Hãng Apple (Mỹ) đặt hàng Samsung (Hàn Quốc) sản xuất màn hình (sản xuất ở nhà máy đặt tại Việt Nam) là ví dụ. Như vậy, "Make in Vietnam" có nghĩa là do kỹ sư Việt Nam thiết kế, còn sản xuất ở đâu thì tự họ quyết định dựa trên sự phù hợp với chi phí.
Với lĩnh vực phần mềm, nhờ chính sách ưu đãi về thuế đã góp phần hình thành đội ngũ và động lực để phát triển các công ty gia công phần mềm, có thể kể đến những thương hiệu lớn tại Việt Nam như FPT, TMA...
- Tuy nhiên, đến nay ngành phần mềm Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu, ngay cả FPT - một công ty công nghệ lớn nhất cũng chưa có sản phẩm nào cụ thể, thưa ông?
- Có nhiều đánh giá cho rằng, các doanh nghiệp phần mềm chủ yếu làm gia công, giá trị gia tăng không cao. Điều này đúng, nhưng cần ghi nhận thêm hai điểm. Đó là các kỹ sư phần mềm Việt Nam làm gia công phần mềm cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tiếp cận với mô hình, quy trình làm việc chuyên nghiệp và đây chính là những kỹ năng cơ bản cần thiết để làm việc sau này. Thêm nữa, trong 10 người làm phần mềm, chỉ cần 2 người giữ vai trò kiến trúc sư thiết kế, còn lại là kỹ sư gia công. Khi đã xây dựng được đội ngũ gia công, sẽ có cơ hội để phát triển khâu sản xuất, thiết kế sáng tạo phần mềm...
Nếu hỏi FPT có sản phẩm phần mềm nổi bật thì chưa, nhưng phải khẳng định, họ đã xây dựng được đội ngũ kỹ sư thông minh, giỏi về công nghệ thông tin..., nên khi cần mục tiêu phát triển về công nghệ thì họ sẽ phát triển được. Một yếu tố nữa không thể không nhắc tới, FPT xây dựng được văn hóa làm việc cởi mở - đó là yếu tố quan trọng cho phát triển, sáng tạo. Do vậy, không quá lo ngại về FPT không có sản phẩm “Make in Vietnam”, vấn đề chỉ là thời điểm, thị trường kinh doanh mà thôi.
- Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến bỏ ưu đãi với doanh nghiệp gia công phần mềm, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Ưu đãi với doanh nghiệp phần mềm đang áp dụng theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC (ngày 22-6-2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp của Bộ Tài chính). Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phần mềm sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như: 4 năm đầu, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; từ năm thứ 5 đến năm thứ 13, được giảm 50% (chỉ nộp 5%); từ năm 14 đến năm 15 nộp thuế suất 10%; từ năm 16 trở đi, nộp thuế bình thường. Chính sách này tạo ra kẽ hở, hết thời gian ưu đãi, có doanh nghiệp tự “đập” đi, lập công ty khác (chỉ là tên mới) để hưởng ưu đãi thuế. Chúng ta phải chấp nhận thực tế này, vì có người chỉ muốn làm thợ suốt đời; còn với những người muốn xây dựng thương hiệu để phát triển, phẩm không bao giờ họ “đập” công ty như vậy.
Vì thế, trong dự thảo thông tư mới quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng: Chú trọng giảm thuế cho công ty làm thiết kế, sáng tạo, không áp dụng ưu đãi thuế với doanh nghiệp gia công phần mềm.
- Nhưng, thực tế doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chủ yếu vẫn làm gia công, nếu áp dụng chính sách này liệu có gây bất lợi cho lĩnh vực gia công phần mềm vốn đang là lợi thế?
- Phần mềm có thể có nhiều chức năng để cung cấp tới khách hàng, nhưng để phục vụ tốt nhất cho từng nhóm đối tượng, nhà cung cấp thì phải nghiên cứu, sáng tạo để xác định chỉ cần bao nhiêu chức năng là phục vụ tốt khách hàng của mình. Đây chính là chất xám và chỉ công ty làm về giải pháp mới thiết kế được. Do vậy, chúng ta không nhất thiết chỉ nghĩ là phần mềm phải là sản phẩm cụ thể, trọn gói.
Như vậy, việc sửa đổi thông tư mới sẽ xác định rõ ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất thiết kế, sáng tạo các giải pháp phần mềm. Nếu ưu đãi hoạt động này, sẽ giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp “đập” đi xây lại, thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu phần mềm để ngành phần mềm đi đúng hướng.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước, ông có thể nói rõ hơn về việc này?
- Bộ đã, đang triển khai một loạt những chính sách phát triển thị trường khác, như hỗ trợ kết nối cung - cầu, đến nay cơ bản có kết quả tốt. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trương tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn công nghệ nước ngoài. Trong đó phải kể đến sự kiện hội nghị triển lãm thế giới số do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) sẽ tổ chức vào tháng 9-2020 tại Hà Nội, dự kiến thu hút khoảng 5.000 đại biểu nước ngoài. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước thử sức mình.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.