Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ có cơ chế quản lý chặt chẽ

Kim Vũ| 24/05/2016 07:36

(HNM) - Hàn Quốc đã chính thức ký bản ghi nhớ với Việt Nam tiếp nhận trở lại lao động (LĐ) Việt Nam làm việc tại quốc gia này sau gần 4 năm tạm dừng. Đây là tin vui cho những LĐ đang có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc, một thị trường có mức thu nhập cao, song với những gì đã từng diễn ra trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có quy trình quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với lao động xuất khẩu.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.


Nỗ lực lấy lại thị trường

Theo thống kê, hiện có hơn 75.000 LĐ Việt Nam đã làm việc tại Hàn Quốc với mức lương từ 1.000 USD đến 1.500 USD/người/ tháng, tuy nhiên, số LĐ bỏ trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng tại nước này có thời điểm lên đến 42%. Sau nhiều lần cảnh báo, năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam. Hàng nghìn hồ sơ đăng ký mới tham gia kỳ thi sát hạch tiếng Hàn Quốc từ cuối năm 2011 của người lao động đều phải dừng lại. Chỉ những LĐ trở về nước đúng hạn được ưu tiên tái tuyển dụng.

Nhằm lấy lại thị trường truyền thống và nhiều tiềm năng này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát số LĐ không về nước trước thời hạn, tiến hành vận động, tuyên truyền chính sách, pháp luật XKLĐ, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo. "Mạnh tay" hơn, những LĐ có người thân cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc bị cấm tham gia các chương trình XKLĐ; các trường hợp LĐ bỏ trốn sẽ phạt hành chính từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng... Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã làm việc với phía Hàn Quốc để tích cực phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm và đề nghị phía bạn có biện pháp tăng cường quản lý LĐ nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc xử lý nghiêm các doanh nghiệp nước sở tại sử dụng LĐ nước ngoài (trong đó có LĐ Việt Nam) bất hợp pháp. Đồng thời, đề nghị Hàn Quốc thay đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc; đề nghị giữ một phần tiền lương của người lao động và chỉ hoàn trả khi người lao động về nước đúng hạn.

Với những nỗ lực không ngừng, số LĐ Việt Nam cư trú trái phép tại Hàn Quốc đã giảm từ 42% thời điểm tháng 12-2013 xuống còn gần 35% ở thời điểm cuối năm 2015. Và hiện tại, số LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chỉ còn hơn 15.000 người.

Sẽ vẫn có "vùng cấm"

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao khả năng của LĐ Việt Nam, do đó tuy tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn còn khá cao so với 14 nước có LĐ phái cử nhưng Hàn Quốc vẫn quyết định ký Bản ghi nhớ tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Bản ghi nhớ lần này mở ra cơ hội cho nhiều LĐ có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, không bị hạn chế về đối tượng tham gia.

LĐ sau khi đạt chứng chỉ tiếng Hàn Quốc sẽ phải tham gia kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Kết quả kiểm tra không phải là quyết định đỗ hay trượt mà chỉ nhằm mục đích bổ sung thông tin ứng viên vào hồ sơ tìm việc, cung cấp thêm thông tin cho chủ sử dụng LĐ lựa chọn. Điều kiện là người lao động có độ tuổi từ 18 đến 39, không có tiền án, tiền sự hoặc thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài; LĐ đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn; LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai Chính phủ từ ngày 1-4-2016 đến 30-9-2016.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, dù Hàn Quốc đã mở cửa thị trường trở lại nhưng hạn ngạch tiếp nhận LĐ Việt Nam phụ thuộc vào việc giảm số LĐ Việt Nam bất hợp pháp đang ở tại nước này. Vì vậy, hai nước đã bổ sung thêm nhiều quy định mới, nghiêm ngặt hơn, chặt chẽ hơn nhằm tránh tái diễn tình trạng lao động bất hợp pháp tăng cao như trước đây. Bộ LĐ-TB&XH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn LĐ tại các địa phương có số LĐ bất hợp pháp cao và những LĐ có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, tại 15 tỉnh, thành phố có nhiều LĐ cư trú bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH cương quyết yêu cầu không tham gia tuyển dụng LĐ cho các chương trình trong thời gian tới. Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cảnh báo người LĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình EPS và chỉ làm việc với Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị duy nhất thực hiện chương trình để tránh bị lừa. Bộ sẽ công khai các thông tin về thời gian, phương thức kiểm tra tiếng Hàn Quốc, tay nghề, các tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, kết quả, các khoản chi phí phải đóng góp cho người LĐ thông qua các trang thông tin chính thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có cơ chế quản lý chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.