Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ có câu trả lời cho những vấn đề “nóng”

Hoàng Linh| 26/05/2016 07:25

(HNM) - Trong hai ngày 26 và 27-5, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp tại Iseshima (tỉnh Mie, Nhật Bản). Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Châu Á sau 8 năm với kỳ vọng tạo thay đổi chính sách phát triển, đối ngoại của các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới; đồng thời bàn thảo các vấn đề quốc tế được các bên quan tâm.

Hội nghị G7 năm nay sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Trong chương trình nghị sự năm nay, các nguyên thủ sẽ tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề chính: Các vấn đề kinh tế, thương mại toàn cầu; chống khủng bố, điểm nóng ở Trung Đông, Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria (gồm cả khủng hoảng người nhập cư), vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông; Hợp tác chống biến đổi khí hậu theo thỏa thuận COP 21; thúc đẩy triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự phát triển 2030…

Cuộc tập hợp của các nhà lãnh đạo Nhóm G7 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với tương lai bấp bênh khi nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đã chững lại do tác động từ sự lao dốc của giá dầu với các nước sản xuất nhiên liệu; cũng như khả năng nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU). Trong bối cảnh cả Anh và Đức đều đang phản đối những kêu gọi về các gói kích thích tài chính, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe lại có kế hoạch thúc giục các nhà lãnh đạo G7 đưa ra những chính sách tài khóa linh hoạt và phù hợp hơn với đặc thù của tình hình kinh tế từng quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng được trông đợi sẽ tái khẳng định những cam kết trước đó trong nỗ lực ổn định thị trường ngoại hối cũng như triển khai các thỏa thuận trong Nghị định thư Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, gồm cả kế hoạch bảo tồn tài nguyên tự nhiên và chống lại sự ấm dần lên của trái đất trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo các nước G7 sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống khủng bố với hai vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đó là sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực triệt tiêu các nguồn tài chính cung cấp cho các lực lượng khủng bố nói chung trên phạm vi toàn cầu. Riêng Canada và Anh dự kiến sẽ đưa vấn đề tiền chuộc con tin vào chương trình nghị sự khi nhiều nước đang vận động chống lại việc trả tiền chuộc cho các con tin bị bắt cóc. Sự từ chối này trên cơ sở mối quan ngại các tổ chức khủng bố sẽ "quen mui" như một thỏa hiệp; đồng thời tiền chuộc sẽ biến thành nguồn kinh phí "máu" cho các hoạt động khủng bố như một khuyến khích cho các kẻ bắt cóc con tin.

Dù không phải đề tài được nước chủ nhà đề xuất, nhưng vấn đề an ninh hàng hải được dự báo sẽ rất "nóng" tại G7 lần này. Các lãnh đạo G7 sẽ đề cập về việc xây dựng đảo và quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông trong thời gian vừa qua; đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trong khu vực này. Các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ lên tiếng phản đối "sự hăm dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực" của bất kỳ quốc gia nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền; đồng thời kêu gọi giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hòa bình, mang tính xây dựng và tuân thủ đúng các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong khuôn khổ hai ngày làm việc, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cùng các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Mỹ cùng các vị khách mời - nguyên thủ một số quốc gia trong khu vực và EU - sẽ nỗ lực để có thể đưa ra "câu trả lời" cho các vấn đề nêu trên. Đặc biệt, cuộc tập hợp G7 lần này còn có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Papua New Guinea, Lào và Chad được trông đợi sẽ đem tới Iseshima nhiều ý tưởng phát triển và hòa bình tươi mới nhằm góp phần vào sự ổn định có thể trên phạm vi toàn cầu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có câu trả lời cho những vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.