(HNMO) - Bộ NN&PTNT vừa thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, vụ đông xuân 2019-2020, các hồ thủy điện thượng du sẽ tăng cường phát điện bổ sung nguồn nước cho sông Hồng trong 3 đợt, với tổng số 18 ngày. Cụ thể, đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 20-1 đến 24h ngày 23-1-2020 (4 ngày); đợt 2 từ 0h ngày 5-2 đến 24h ngày 12-2-2020 (8 ngày) và đợt 3 từ 0h ngày 19-2 đến 24h ngày 24-2-2020 (6 ngày).
Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Long Biên (Hà Nội) được duy trì trong đợt 1 từ 1,6m trở lên, đợt 2 từ 2m trở lên và đợt 3 từ 1,4m trở lên. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước bổ sung của hồ thủy điện cho sông Hồng, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan lấy nước sớm, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương; thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh; lắp đặt trạm bơm dã chiến và tăng cường vận hành để tập trung đưa nước lên ruộng.
Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã duyệt phương án phòng, chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2019- 2020 trên địa bàn thành phố; trong đó, xây dựng giải pháp chi tiết cho từng vùng với 2 kịch bản. Cụ thể, kịch bản thứ nhất là xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện khoảng 18 ngày, mực nước sông Hồng trong thời gian xả nước tại Hà Nội đạt mức 1,4 - 2m, tại Sơn Tây đạt 2,5 - 3,5m, tại Thanh Điềm đạt 2-3m. Kịch bản thứ hai là xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện không đạt 18 ngày, mực nước sông Hồng trong thời gian xả nước tại Hà Nội không đạt mức 2m và thời gian dưới 1m kéo dài, tại Sơn Tây chỉ đạt dưới 2,5m và thời gian đạt dưới 2m kéo dài, tại Thanh Điềm chỉ đạt dưới 2m và thời gian đạt dưới 1,5m kéo dài.
Để triển khai có hiệu quả phương án phòng, chống hạn vụ đông xuân 2019-2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát kế hoạch sản xuất vụ xuân 2020 trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp.
Các doanh nghiệp thủy lợi đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các công trình hư hỏng, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng. Đồng thời, lắp đặt các trạm bơm, công cụ bơm tát dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.