(HNMO)- Khi có tiền nhàn rỗi, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có quyền gửi ngân hàng-Đại diện Bộ Tài chính cho biết như vậy trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc SCIC gửi ngân hàng khoảng 19.600 tỷ đồng.
Chiều 10-4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo quý 1-2013. Tại đây, việc SCIC gửi ngân hàng khoảng 19.600 tỷ đồng là một trong những vấn đề mà báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc SCIC gửi tiết kiệm như vậy có đúng quy định hay không, ông Đặng Quyết Tiến-Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cần hiểu rõ là SCIC có 2 nhiệm vụ là đầu tư vốn và được giao quản lý quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp, có quy mô 20.000-30.000 tỷ.
Với nhiệm vụ thứ 2, SCIC đóng vai trò người quản lý. Theo quy định, khi có tiền nhàn rỗi, quỹ này có thể được gửi ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, lãi thu được là để tăng số dư, không được chi tiêu. Khi hạch toán phải công khai báo cáo kế toán và báo cáo tài chính, kiểm toán hàng năm đều kiểm toán thu chi quỹ này. Việc chi thế nào do Thủ tướng quy định.
“Doanh nghiệp đang thoái vốn nhưng SCIC không mua vì chưa có dự án đầu tư hiệu quả, là nhà đầu tư họ tỉnh táo hơn” - ông Tiến nói.
Ông cũng cho biết, để làm rõ về quỹ này, SCIC sẽ có cuộc họp báo công bố việc sử dụng quỹ này ra sao trong thời gian qua.
Trước đó, theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012 và kế hoạch năm 2013 SCIC, trong năm 2012, “siêu Tổng công ty” đạt lợi nhuận trước thuế 4.582 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.974 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011.
Đáng chú ý, tổng chi phí (không kể hoàn nhập dự phòng) chỉ là 121 tỷ đồng và 0,2% tổng tài sản. Nếu dựa vào chỉ tiêu kể trên, nghiệp vụ quản lý tài sản của SCIC hiệu quả không kém gì các quỹ đầu tư dạng thụ động (passive management fund). Đóng góp chính vào kết quả kinh doanh ấn tượng của SCIC là hai hoạt động gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi và lĩnh cổ tức Vinamilk; trong đó năm vừa qua, SCIC ghi nhận 1.568 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng dưới dạng doanh thu tài chính và 1.001 tỷ đồng cổ tức Vinamilk. Với số lãi tiết kiệm trên, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỷ đồng.
Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp thắc mắc tại sao SCIC lại đi gửi tiết kiệm khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đang “khát“ vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.