(HNM) - Quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn một thành phố lớn như Thủ đô hay trên phạm vi cả nước là nội dung không mới. Nhiều năm trước, thành phố đã đặt ra yêu cầu “tăng cường quản lý” vấn đề này trong bối cảnh nhấn mạnh yếu tố “tình hình mới”...
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập toàn diện và sâu rộng của cả nước cũng như của Hà Nội, trong đó có những thách thức của việc gia tăng tội phạm có yếu tố nước ngoài…, thì câu chuyện này phải được quan tâm xứng đáng hơn.
Cụ thể, vấn đề quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn thành phố buộc phải thỏa mãn hai yếu tố song hành là: Vừa nhằm bảo đảm sự phát triển hội nhập của thành phố, của đất nước, vừa kịp thời ngăn ngừa, xử lý các hành vi phạm tội có yếu tố nước ngoài, vì sự phát triển an toàn, thân thiện, bền vững của thành phố.
Muốn bảo đảm được hai mặt của yêu cầu này, rõ ràng công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn thành phố phải được thực hiện theo phương thức mới, thống nhất, hiện đại và hiệu quả. Trong đó, yếu tố nòng cốt chính là làm tốt công tác quản lý ngay từ cơ sở.
Trên thực tế, tình trạng các chủ cơ sở lưu trú vừa thiếu hiểu biết pháp luật, vừa lơ là việc phối hợp đăng ký tạm trú khi cho người nước ngoài thuê phòng, nhà vẫn không ít. Đây chính là kẽ hở ngay từ đầu nguồn gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự đối với những vấn đề, vụ việc liên quan đến người nước ngoài. Bên cạnh đó, chính những người "bám sát" cơ sở nhất, đó là các chiến sĩ cảnh sát khu vực, công an phường cũng còn hạn chế về ngoại ngữ, kiến thức, luật pháp quốc tế… Điều này ít nhiều cản trở việc nắm bắt tình hình người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn phụ trách…
Từ những hạn chế trên, trước hết cần phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Trên cơ sở đó có các biện pháp tuyên truyền rộng, sâu tới các khu dân cư, để người dân cùng nhận thức rõ và phối hợp tốt hơn trong việc quản lý cư trú, giám sát hoạt động của người nước ngoài ngay ở nơi mình sinh sống. Trong đó nâng cao tuyên truyền để các chủ cơ sở lưu trú có trách nhiệm phối hợp, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, trước tiên là thực hiện đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà. Cùng với đó là có chế tài xử phạt đủ mạnh của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương với các hành vi vi phạm để khắc phục dần tình trạng thờ ơ, lơ là của các chủ cơ sở lưu trú đối với quy định hết sức quan trọng này.
Thêm nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài qua hình thức thư điện tử, trực tuyến qua trang web... mà CATP Hà Nội đã thực hiện hiệu quả từ năm 2017 nên tiếp tục được phát huy, mở rộng.
Nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi sự sâu sát và linh hoạt này còn cần đến tinh thần phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan. Cụ thể, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã phải nắm bắt kịp thời, thực hiện nhuần nhuyễn Quy chế phối hợp trong công tác quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn thành phố, được nêu rõ tại Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 11-5-2017 của UBND TP Hà Nội.
Sâu sát từ cơ sở, ứng dụng công nghệ vào nắm bắt, xử lý thông tin và phối hợp tốt giữa các đơn vị - đây là cách để Hà Nội nói không với mọi hành vi phạm tội có yếu tố nước ngoài, cũng chính là giúp những người nước ngoài yên tâm, tin tưởng khi đến Hà Nội tham quan, du lịch, làm việc, sinh sống, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững môi trường an toàn, ổn định của Thủ đô - Thành phố vì hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.