(HNM) - Tuần qua, dư luận lúng túng trước vô số lời nhận xét về ba đám cưới con nhà giàu sau khi hình ảnh và nhiều bài viết về chúng được tải lên một số trang mạng. Ba đám cưới ấy, một diễn ra ở Cần Thơ, một tại Hà Tĩnh và một ở Thái Nguyên, có người đã gọi là
Ba đám cưới trên có khá nhiều điểm chung: có rất nhiều xe ô tô đắt tiền (thuộc loại mà công chức, người lao động bình thường cả đời bỏ ăn để gom góp cũng không mua nổi) tham gia lễ đưa đón dâu; có sự tham gia (phục vụ?) của một số "sao" giải trí mà nếu phải thuê, chắc hẳn chỉ tính cát-sê đã gấp nhiều lần chi phí cho một đám cưới bình thường; số lượng khách mời dự tiệc cưới rất "khủng", có đám lên tới vài nghìn người… Từng ấy sự chung dẫn đến một sự chung khác: đó đều là những đám cưới tốn kém khủng khiếp, mà có trường hợp chỉ tính khoản rượu đã phải chi tiền tỷ (!); đó đều là những đám cưới dềnh dang, diễn ra trước mắt quá nhiều người, thành chuyện ồn ào trong đời sống xã hội vốn đang phải gồng mình chung sức vượt qua khó khăn.
Dư luận lúng túng là bởi có sự nhìn nhận khác nhau về cách phô bày sự dư dả qua ba đám cưới, dù rằng cơ quan quản lý nhà nước đã có khuyến cáo về việc này, mà bản chất không có gì ngoài lời kêu gọi hình thành phong trào cưới văn minh, tiết kiệm trên phạm vi cả nước. Nhiều người cho sự ồn ào nói trên là bình thường, "có tiền thì tiêu, ai cấm", một số còn tỏ lòng hâm mộ trước sự "dám làm", "thương con" của các "đại gia" và đả kích phía chê trách người tổ chức đám cưới linh đình là "ghen ăn tức ở". Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với cái sự chơi trội, cho thế là hoang phí vô bổ, là trớ trêu khi cách tiêu tiền không ghê tay diễn ra ngay ở vùng quê nghèo và một chủ nhân tổ chức đám cưới trong hoàn cảnh đơn vị mà bà đứng đầu đang nợ đầm đìa. Có người đi xa hơn, lộ ý ngại ngần, rằng người thực sự vất vả xây dựng cơ nghiệp thì có nhiều tiền cũng không thể "bạo tay" đến thế…
Thế thì nên hiểu thế nào về những đám cưới "khủng" và cả sự hình thành dư luận xã hội xung quanh nó?
Ba đám cưới nói trên được biết đến nhiều là bởi ngoài sự tự thể hiện, vẻ "lừng lẫy", nó còn được "thổi" lên nhờ sự "rộng rãi" của một số trang mạng. Có ngày, có trang tin đưa liên tiếp bài, ảnh về đám cưới, có cả "tiểu sử" của "thiếu gia" và "đại gia". Ngôi nhà trên phố nọ ở Hà Nội, nghe nói là của hồi môn dành cho "thiếu gia" người gốc Hương Sơn - Hà Tĩnh được một số trang mạng "truyền tay", đưa lên trang nhất dù chỉ là ảnh ngôi nhà cửa đóng then cài, mười tấm na ná nhau. Mạng này nói gia chủ chỉ thuê ca sĩ đã hết vài trăm nghìn "đô"; mạng khác dẫn lời "khổ chủ", đại ý đâu có, toàn người quen đến góp vui, tiền nong gì… Bởi vậy, nói dư luận lúng túng còn là bởi cách dẫn dụ "khác thường" của một số trang mạng nữa.
Xã hội vận hành với những định chế, thành văn hoặc bất thành văn, có những điều diễn ra không trái luật nhưng không có nghĩa là được thừa nhận. Chuyện cưới "to" cũng vậy, rất khó nói quy định chi phí bao nhiêu là phải xử lý, nhưng cộng đồng có thể "phán xử" theo cách riêng. Bởi thế mới có hương ước, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa, mới có phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" mà Đảng và Nhà nước khuyến khích thực hiện. Trong những danh hiệu, phong trào nói trên, tuy có sự khác nhất định về nội dung nhưng chắc chắn là không thừa nhận lối ứng xử khoa trương, lãng phí.
Chuyện sẽ qua đi nhưng dư âm còn để lại, mà quan trọng nhất là cách nghĩ về một vấn đề vốn nhiều năm khiến cơ quan quản lý văn hóa phải họp lên họp xuống mới ra được tiêu chí, giải pháp nhân rộng việc cưới văn minh, tiết kiệm. Giờ đây, liền tù tì mấy đám cưới "khủng", không hiểu cuối năm, khi bình xét thi đua, những địa phương, đơn vị có "đại gia bạo tay" sẽ nghĩ gì?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.