(HNM) - Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang, thuộc phường Văn Chương (Đống Đa) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn
Hồ Linh Quang vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. |
Phản ánh của người dân hoàn toàn có căn cứ. Xung quanh khu vực hồ Linh Quang, phía ngõ Văn Chương đã được đơn vị thi công dùng tôn sắt vây kín. Đây là kết quả của việc nước hồ bị phát hiện có phẩy khuẩn tả vào năm 2008 và khi đó dự án cải tạo hồ mới được tái khởi động. Cũng thời điểm này, chính quyền và nhân dân phường Văn Chương đã vào cuộc: nạo vét mương thoát nước, khơi thông cống rãnh, giải tỏa chợ, xử lý nước thải. Tuy nhiên, sau một thời gian không có sự quản lý, giám sát nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện. Xung quanh hồ, các gia đình lấn chiếm, dựng nhà tạm bợ cho khách ngoại tỉnh thuê và rác sinh hoạt hằng ngày được xả thẳng xuống hồ Linh Quang. Sau những trận mưa lớn vừa qua, hồ Linh Quang trở thành điểm tập kết rác, xác động vật từ khắp nơi theo dòng nước mưa đổ về, làm cho nước hồ vốn đã bẩn lại càng ô nhiễm.
Được biết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 20-7-2004, với tổng kinh phí là 131 tỷ đồng, diện tích gần 5ha, thời gian thực hiện từ năm 2005 đến 2007, do Ban quản lý Dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông-Vận tải) làm chủ đầu tư. Hiện tại, chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án hạ tầng đô thị (HT-ĐT) thuộc Sở Xây dựng và đơn vị thi công là Công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC. Các hạng mục chính của dự án bao gồm nạo vét lòng hồ, kè bờ, làm đường giao thông, trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hạ tầng kỹ thuật...
Có khoảng 200 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, trong đó gần 100 hộ di chuyển hoàn toàn. Ông Ngô Tiến Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết: Việc xác định nguồn gốc đất mà các hộ gia đình đang sử dụng ở ven hồ Linh Quang không đơn giản. Ở đây có cả đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất hồ; giữa hồ sơ và thực tế các hộ đang sử dụng không có sự thống nhất; rồi có tình trạng mua bán trao tay và giấy tờ đã bị thất lạc. Từ năm 1998, thành phố đã có chủ trương tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực này, cộng thêm những biến động về hiện trạng sử dụng đất từ đó đến nay, khiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai dự án cải tạo hồ Linh Quang gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Mộng Long, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án HT-ĐT lý giải: Đến nay mới có 139/234 hộ dân đủ điều kiện lập hồ sơ xác định nguồn gốc sử dụng đất. Việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân thuộc diện phải GPMB, chủ đầu tư không chủ động được mà phải phối hợp với chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án HT-ĐT sẽ làm việc với UBND quận Đống Đa, phường Văn Chương để thống nhất các căn cứ xác định nguồn gốc sử dụng đất, sau đó lên phương án trình Hội đồng GPMB quận phê duyệt.
Hồ Linh Quang nằm giữa khu dân cư đông đúc, môi trường ô nhiễm, là nguồn phát sinh các bệnh nguy hiểm như: tả, xuất huyết... Dự án cải tạo hồ Linh Quang nhận được sự quan tâm của nhân dân toàn thành phố, chứ không chỉ có những người sống xung quanh hồ. Hy vọng sự tích cực, chủ động của chủ đầu tư và chính quyền địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo hồ, nhằm làm vơi đi nỗi bức xúc của người dân nơi đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.